Người mua bảo hiểm không lo DN phá sản
Thông tin trên được ông Tuyến nhắc đi nhắc lại như một điều khá vui, không dễ đạt được. “Việc thu tiền quỹ được nhiều, tới 80% tổng mức phí cần thu đã cho thấy sự ủng hộ hết mình của DN bảo hiểm, vì họ nhận thức được đó là quỹ của mình, bảo vệ cho chính mình cũng như bảo vệ cho những khách hàng mua bảo hiểm”, ông Tuyến nói.
Như vậy, khi nộp đủ 100% tổng mức phí cần thu trong đợt đầu này, số tiền quỹ sẽ vào khoảng 40 tỷ đồng. Thông tin nộp quỹ cũng cho thấy nỗ lực không nhỏ của các DN bảo hiểm khi trên thực tế, thị trường bảo hiểm còn khó khăn, trong khi đó, việc nộp các khoản phí khác trên thị trường như phí bảo hiểm, phí hội viên, cùng các loại phí đóng vào các quỹ khác còn chậm trễ.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cũng khẳng định, hoạt động của Quỹ có ý nghĩa tích cực với sự phát triển thị trường bảo hiểm trong tương lai, là kênh phòng ngừa rủi ro và tạo cơ hội phát triển thị trường bền vững.
Tiết kiệm song hành với an toàn, hiệu quả
Với khó khăn của ngành, Quỹ được giảm mức trích nộp từ 0,3% xuống còn tối đa 0,1% tổng doanh thu phí bảo hiểm giữ lại. Theo quy định, việc trích nộp Quỹ bảo vệ người mua bảo hiểm được thực hiện đến khi quy mô của Quỹ đạt 5% tổng tài sản của DN bảo hiểm phi nhân thọ và đạt 3% tổng tài sản đối với bảo hiểm nhân thọ.
Công tác nộp đã khá nhanh gọn, vấn đề còn lại theo ông Tuyến, chỉ là gửi vào đâu để đảm bảo an toàn. Theo quy định tại Thông tư 101/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính, nguồn tiền nhàn rỗi từ Quỹ chỉ được thực hiện đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực như trái phiếu chính phủ (số lượng không hạn chế); trái phiếu DN (được Chính phủ bảo lãnh với mức tối đa không quá 5% tổng số tiền nhàn rỗi của Quỹ tại một DN và không vượt quá 10% tổng số tiền nhàn rỗi của Quỹ). Ngoài ra, có thể gửi tiền tại các ngân hàng (tối đa không quá 10% tổng số tiền nhàn rỗi của Quỹ tại một ngân hàng và không vượt quá 50% tổng số tiền nhàn rỗi của Quỹ).
Việc đầu tư do Hội đồng quản lý và Ban điều hành Quỹ trực tiếp thực hiện hoặc ủy thác cho các tổ chức được phép kinh doanh đầu tư tài chính, đảm bảo an toàn tài chính và có trên 5 năm kinh nghiệm để thực hiện hoạt động đầu tư.
Thay mặt Hội đồng quản lý quỹ, ông Trịnh Quang Tuyến khẳng định, Quỹ sẽ được vận hành theo đúng tinh thần tiết kiệm, chứ không phải theo kiểu “cha chung không ai khóc”. Từ đó nâng cao uy tín của ngành bảo hiểm, tạo được sự tin tưởng của những đối tượng tham gia bảo hiểm.
Về phía nhà quản lý, ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm khẳng định, sẽ phối hợp quản lý tốt Quỹ, đảm bảo các mục tiêu đề ra. Ông Khánh cũng hy vọng thị trường bảo hiểm Việt Nam vừa tăng trưởng hiệu quả vừa phòng ngừa rủi ro tốt, nhưng nếu không may có sự cố xảy ra thì cũng đã có nguồn tài chính sẵn sàng bù đắp cho người mua bảo hiểm.
Hý vọng sẽ ít dùng đến quỹ
Do quỹ chỉ nhằm bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm trong trường hợp DN bảo hiểm bị mất khả năng thanh toán hay phá sản, nên ông Tuyến cũng hy vọng nguồn tài chính từ quỹ này sẽ ít phải sử dụng đến.
“ Thông qua quỹ này, uy tín của ngành bảo hiểm sẽ được nâng cao, tạo được sự tin tưởng và sự quan tâm tin dùng của những đối tượng tham gia bảo hiểm trong trường hợp không mong muốn (DN mà họ mua bảo hiểm bị mất khả năng thanh toán hay phá sản - PV)”, ông Tuyến nói.
Hy vọng Quỹ sẽ ít phải sử dụng đến nhưng các thành viên thị trường cũng mong muốn, nếu không may xảy ra sự cố DN bảo hiểm bị mất khả năng thanh toán hay phá sản thì các bên liên quan sẽ sẵn sàng bảo vệ người mua bảo hiểm.
“Nếu không may xảy ra rủi ro, đề nghị các DN bảo hiểm phối hợp chặt chẽ với Quỹ để giải quyết nhanh thủ tục, kịp thời đảm bảo quyền lợi người mua bảo hiểm”, Thứ trưởng Trần Xuân Hà chỉ đạo.