Doanh thu tăng, lợi nhuận giảm
Trong quý II/2023, Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng (mã chứng khoán HND) đạt doanh thu 3.366,4 tỷ đồng, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu tăng nhờ sản lượng điện quý II năm nay cao hơn so với cùng kỳ 239,7 triệu kWh, đồng thời giá bán điện hợp đồng (Pc) tăng do giá than tăng và giá thị trường cao hơn. Tuy nhiên, giá vốn tăng mạnh nên lợi nhuận mang về giảm 35,3% so với cùng kỳ, xuống 181 tỷ đồng.
Luỹ kế nửa đầu năm 2023, Nhiệt điện Hải Phòng ghi nhận doanh thu 5.937,6 tỷ đồng, tăng hơn 14%, song do giá vốn tăng cao nên lợi nhuận sau thuế giảm 64% so với cùng kỳ, còn 191 tỷ đồng.
Tương tự, Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh (mã chứng khoán QTP) ghi nhận doanh thu quý II/2023 tăng 54% so với quý II/2022, đạt 3.708,4 tỷ đồng, song lãi sau thuế là 248 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ.
Nhiệt điện Quảng Ninh sở hữu 4 tổ máy phát điện với tổng công suất 1.200 MW và là một trong những nhà máy điện than có công suất lớn nhất miền Bắc. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Công ty mang về 6.703,6 tỷ đồng doanh thu và 392,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; tăng 34% về doanh thu, nhưng giảm 34% về lợi nhuận sau thuế so với 6 tháng đầu năm 2022.
Cùng nằm trong nhóm điện than, Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (mã chứng khoán PPC) ghi nhận quý II/2023 đạt lợi nhuận sau thuế 167,4 tỷ đồng, tăng 146% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, kết quả này chủ yếu đến từ doanh thu tài chính gấp 15 lần cùng kỳ, đạt gần 104 tỷ đồng, do khoản cổ tức nhận được từ các đơn vị góp vốn với số tiền 99,8 tỷ đồng mà cùng kỳ không có khoản này.
Trong khi đó, doanh thu quý II/2023 của Nhiệt điện Phả Lại chỉ tăng 9%, đạt 1.404,4 tỷ đồng, giá vốn tăng mạnh hơn (10%) nên lợi nhuận gộp kỳ giảm 7%, còn 103,7 tỷ đồng. Nhờ lợi nhuận đột biến từ cổ tức được chia nên lãi sau thuế nửa đầu năm 2023 của Công ty đạt 207,3 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ.
Kết quả trên của nhóm điện than đang cho thấy một thực tế tương đối khác so với kỳ vọng trước đó của thị trường rằng, hiện tượng thời tiết El Nino quay trở lại khiến nước về các hồ thấp hơn, nhóm thuỷ điện gặp bất lợi, tạo cơ hội cho nhóm điện than được huy động nhiều hơn tại miền Bắc.
Cụ thể, kỳ vọng các nhà máy nhiệt điện tại miền Bắc sẽ hưởng lợi sớm nhất do nguồn than ổn định và chi phí vận chuyển thấp. Tình trạng thiếu điện tại miền Bắc sẽ củng cố triển vọng huy động sản lượng điện than, đặc biệt khi dự kiến khu vực sẽ trải qua giai đoạn nắng nóng hơn. Một số doanh nghiệp tiềm năng hưởng lợi từ xu hướng này là Nhiệt điện Hải Phòng, Nhiệt điện Quảng Ninh, Nhiệt điện Phả Lại.
Lãi giảm vì thiếu than và suất hao nhiệt tăng
Theo lý giải của ông Trịnh Văn Hà, chuyên gia phân tích năng lượng, Công ty Chứng khoán Vietcombank, sự suy giảm về lợi nhuận của các doanh nghiệp nhiệt điện than đến từ suất hao nhiệt tăng trong quá trình vận hành lò, dẫn đến chi phí gia tăng.
Ông Hà lấy ví dụ, quy định sản xuất 1 kWh điện chỉ tốn tối đa 1 kg than, nhưng nhà máy phải đốt đến 1,1 kg than thì việc chênh 0,1 kg đó là chi phí không được tính vào giá bán và các doanh nghiệp phải chịu phần này. Trong khi đó, để đảm bảo đủ than cho sản xuất điện, các doanh nghiệp phải sử dụng nhiều than trộn với chất lượng kém hơn, khiến số lượng than dùng cho sản xuất điện nhiều hơn và chi phí tăng lên.
Các nhà máy nhiệt điện than có chi phí nguyên liệu chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản xuất điện.
Nhóm chuyên gia tại Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, trong năm 2023, hầu hết các nhà máy sẽ phải sử dụng tỷ trọng than trộn lớn. Mặc dù giá than nhập khẩu có xu hướng giảm từ mức đỉnh năm 2022, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với giá than nội địa. Nhiều khả năng giá than sẽ duy trì tình trạng như vậy do nhu cầu hồi phục từ thị trường Trung Quốc.
Trong các tháng 5, 6, 7/2023, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã tìm mọi biện pháp, tăng năng lực sản xuất, đồng thời nhập khẩu than để pha trộn, đảm bảo cung cấp đủ và bổ sung than theo nhu cầu của các nhà máy nhiệt điện.
Về nhu cầu than cho điện trong 6 tháng cuối năm 2023, thông tin từ ông Đặng Thanh Hải, Tổng giám đốc TKV cho thấy, theo nguồn huy động điện của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (phương thức vận hành tháng 6/2023 và cập nhật các tháng còn lại trong năm 2023), nhu cầu than cho điện tăng cao đến hết tháng 7, sau đó giảm trong các tháng mùa mưa và tăng trở lại từ tháng 11. Ước tính, trong nửa cuối năm nay, TKV sẽ cung cấp khoảng 18,7 triệu tấn than cho sản xuất điện, cả năm đạt 39,7 triệu tấn, tăng 15% so với năm 2022.
Trong trường hợp các hồ thuỷ điện về nhiều nước hoặc giá than nhập khẩu giảm về mức cạnh tranh với than trong nước, các nhà máy điện sẽ thực hiện đủ khối lượng đã ký với TKV. Hiện nay, tồn kho tại các nhà máy rất thấp và khách hàng sẽ lấy than để có lượng tồn kho hợp lý, gối đầu vào năm 2024.
Về phía các nhà máy điện than, ông Trịnh Văn Hà nhận định, trong những tháng cuối năm 2023, nếu mưa ít hơn năm ngoái và lượng nước về các hồ thuỷ điện thấp, điện than vẫn sẽ được huy động, nhưng tiêu thụ điện có khả năng tăng trưởng thấp. Biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng khi nhà máy vận hành ở công suất thấp và chi phí vẫn ở mức cao.