Nhiệt điện than chiếm tỷ trọng huy động cao nhất trong các loại hình nguồn điện

Nhiệt điện than chiếm tỷ trọng huy động cao nhất trong các loại hình nguồn điện

Nhiệt điện than "chạy" hết công suất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các nhà máy nhiệt điện tại miền Bắc có triển vọng tăng trưởng cao hơn trong năm 2024, do khu vực này đối diện với nguy cơ thiếu điện.

Nguồn cung điện chủ lực

Nhiệt điện than chiếm tỷ trọng huy động cao nhất trong các loại hình nguồn điện toàn hệ thống. Theo số liệu mới nhất, trong quý I/2024, nhiệt điện than đóng góp 39,99 tỷ kWh, chiếm 57,6%; tỷ trọng của thủy điện là 15,3%, tua bin khí là 8,7%, năng lượng tái tạo là 16,5%, điện nhập khẩu là 1,7%.

Năm 2023, hai dự án nhiệt điện chính thức vận hành thương mại là Nhiệt điện Vân Phong 1 (hoàn thành tổ máy 1, công suất 716 MW) và Nhiệt điện Thái Bình 2 (1.200 MW). Nhiệt điện Thái Bình 2 là một trong các nhà máy có quy mô công suất lớn nhất khu vực Đồng bằng Bắc Bộ.

Kết thúc quý I/2024, các doanh nghiệp nhiệt điện than ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận, đặc biệt là nhóm nhiệt điện than miền Bắc do: sản lượng điện than được huy động cao vì nhu cầu điện cao; giá thành sản xuất giảm nhờ giá nguyên liệu đầu vào giảm và giá bán điện bình quân (CGM) giảm 11% so với cùng kỳ năm 2023.

Cụ thể, sản lượng điện sản xuất trong quý I/2024 của Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng (HND) và Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP) lần lượt đạt 1.816 tỷ kWh và 1.965 tỷ kWh. Với kết quả này, hai doanh nghiệp ghi nhận doanh thu lần lượt là 2.788 tỷ đồng (tăng 8,8%) và 3.009 tỷ đồng (0,46%); lợi nhuận trước thuế lần lượt ở mức 162,8 tỷ đồng (tăng 1.421%) và 251,7 tỷ đồng (tăng 66,1%).

Tương tự, trong quý đầu năm 2024, Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (PPC) đạt doanh thu 2.000 tỷ đồng, tăng 52% và lợi nhuận trước thuế 159 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ năm 2023, nhờ sản lượng điện thương phẩm tăng 64% sau khi khởi động lại Tổ máy S6 và chi phí bảo trì cùng các chi phí khác giảm 18% so với cùng kỳ.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) các nhà máy nhiệt điện tại miền Bắc có khả năng tăng trưởng cao trong nửa đầu năm 2024 do khu vực này đối diện với nguy cơ thiếu điện nhiều nhất. Công suất lắp đặt tại miền Bắc không tăng trưởng, trong khi nhu cầu phụ tải ngày càng tăng. Nguồn điện ở miền Bắc chủ yếu là thủy điện và nhiệt điện than, nhưng thủy điện thiếu ổn định và bị ảnh hưởng bởi hiện tượng EL Nino trong nửa đầu năm, giúp nhiệt điện than duy trì sản lượng huy động ở mức cao.

Để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất điện trong năm 2024, đặc biệt là nguồn cung than cho nhà máy điện than, Bộ Công thương và các ban, ngành liên quan đã lên kế hoạch khai thác tối đa nguồn than trong nước, đa dạng hóa nguồn than nhập khẩu.

Nguồn cung than cho sản xuất điện năm nay được dự báo đạt 74 triệu tấn, tăng 20% so với năm ngoái. Trong đó, nguồn cung than trong nước dự kiến đáp ứng 48,2 triệu tấn, phải nhập khẩu hơn 26 triệu tấn. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) chia sẻ, trong điều kiện khó khăn do ngày càng khai thác xuống sâu, dự kiến năm 2024, Tập đoàn sẽ sản xuất 38,74 triệu tấn than, tiêu thụ 50 triệu tấn than, sản lượng phát điện tối thiểu 10,5 tỷ kWh.

Giá than được kỳ vọng sẽ hạ nhiệt, khi nhu cầu than trên toàn thế giới được dự báo giảm kể từ năm 2024. Theo đó, giá than được dự báo giảm, tạo điều kiện cho TKV giảm giá than trộn, giúp giá bán điện than cạnh tranh hơn. Giá than nhiệt của Úc bình quân năm 2023 giảm 55% so với năm 2022, nhưng vẫn cao hơn 8% so với năm 2021. Giá than nội năm 2023 cao hơn 38% so với năm 2022, dù giảm 11% so với mức đỉnh vào quý III/2023.

Kết quả kinh doanh tích cực, tỷ lệ cổ tức hấp dẫn

Một trong những doanh nghiệp nhiệt điện được đánh giá sẽ có kết quả kinh doanh tích cực năm 2024 là QTP. Kết quả kinh doanh quý I của QTP ghi nhận doanh thu 3.000 tỷ đồng (tương đương cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế 227 tỷ đồng (tăng 57% so với cùng kỳ), chủ yếu nhờ sản lượng điện thương phẩm tăng 8,4%, đạt 1,8 tỷ kWh và chi phí nguyên liệu ước tính giảm 10% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2024, QTP được Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương giao sản lượng điện sản xuất là 7,727 tỷ kWh (tương đương mức nền cao cùng kỳ), trong đó sản lượng điện sản xuất mùa khô là 4,152 tỷ kWh.

Giá than trộn trong năm 2024 - 2025 có khả năng giảm theo đà giảm của giá than thế giới sẽ góp phần ổn định nguồn cung than và giảm áp lực chi phí nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy điện.

Để đáp ứng tình hình nắng nóng gay gắt, kéo dài trên diện rộng trong năm 2024 với dự báo nhu cầu tiêu thụ điện trong thời gian mùa khô (tháng 5 đến tháng 7) tăng trưởng cao (lên đến 13%, cao hơn nhiều so với kế hoạch khoảng 9,6%), riêng miền Bắc dự kiến tăng kỷ lục 17% so với cùng kỳ năm 2023, QTP cho biết, Công ty đã có sự chuẩn bị từ trước. Doanh nghiệp đã lập kế hoạch, triển khai và phối hợp chặt chẽ với các nhà cung cấp than, chuẩn bị đủ nguyên, vật tư cho vận hành, sửa chữa nhằm nâng cao độ khả dụng, các tổ máy vận hành tin cậy và an toàn, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, cung ứng điện năng.

Năm 2024, VCBS kỳ vọng, nhóm nhiệt điện than, đặc biệt tại miền Bắc tiếp tục ghi nhận mức sản lượng huy động cao. Các luận điểm được đưa ra bao gồm: thứ nhất, sản lượng nhiệt điện than huy động ở mức cao khi miền Bắc bước vào mùa khô trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt và hiện tượng El Nino kéo dài trước khi chuyển sang trạng thái trung tính; thứ hai, kỳ vọng giá than trộn giảm sau khi giá than thế giới giảm mạnh sẽ góp phần ổn định nguồn cung than và giảm áp lực chi phí nguyên liệu đầu vào; thứ hai, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục được tăng giá bán điện, góp phần cải thiện dòng tiền cho các nhà máy điện thông qua việc tăng khả năng thu hồi các khoản phải thu từ việc bán điện cho tập đoàn này.

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu QTP tăng không mạnh, nhưng thu hút sự chú ý của nhà đầu tư, giúp giao dịch diễn ra sôi động hơn, nhất là khi doanh nghiệp chi trả cổ tức bằng tiền mặt đều đặn với tỷ lệ trung bình 15%/năm.

Theo Công ty Chứng khoán DSC, chính sách cổ tức bằng tiền mặt của QTP sẽ hấp dẫn hơn trong những năm tới nhờ khả năng vận hành nhà máy ổn định cũng như vai trò quan trọng đối với lưới điện khu vực miền Bắc; doanh nghiệp không có kế hoạch vay thêm, đồng thời dự kiến sẽ thanh toán hết các khoản nợ vay trong năm nay, giúp giảm chi phí lãi vay và không phải chịu rủi ro tỷ giá (tính tới cuối quý I/2024, QTP chỉ còn còn gần 300 tỷ đồng dư nợ vay).

“Với những lợi thế trên, DSC xác định, QTP sẽ là một cổ phiếu phòng thủ, có mức chia cổ tức cao và phù hợp với các nhà đầu tư dài hạn”, DSC cho biết.

Tương tự, Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng (HND) đạt 154,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý I/2024, gấp 15,3 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Năm 2024, HND lên kế hoạch đạt doanh thu 12.279 tỷ đồng, tăng 7,2%; lợi nhuận trước thuế 393,9 tỷ đồng, giảm 15,3% so với năm 2023.

Tuy nhiên, theo Công ty Chứng khoán An Bình, triển vọng lợi nhuận năm 2024 của HND sẽ khả quan và có thể vượt xa kế hoạch do nhu cầu điện cho sản xuất - kinh doanh ở mức cao, nhất là trong bối cảnh FDI vào Việt Nam tăng trưởng tốt.

Thực tế, 5 tháng đầu năm 2024, HND đã hoàn thành 42% kế hoạch doanh thu và 96% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Với PPC, doanh nghiệp sở hữu 2 nhà máy nhiệt điện than có tổng công suất 1.040 MW. Tổng sản lượng điện sản xuất hàng năm trung bình đạt trên 5 tỷ kWh. Ngoài hoạt động kinh doanh chính là sản xuất điện, PPC có hơn 2.500 tỷ đồng đầu tư tài chính là các khoản đầu tư vào các công ty điện như 1.451 tỷ đồng sở hữu 26% cổ phiếu HND, 817 tỷ đồng sở hữu 16,35% cổ phiếu QTP, 100 tỷ đồng sở hữu 10,61% cổ phiếu VPD, 50 tỷ đồng sở hữu 15% cổ phiếu BSA. Trong đó, khoản đầu tư vào HND và QTP mang lại gần 400 tỷ đồng cổ tức cho PPC trong năm 2023.

Tỷ lệ chia cổ tức của PPC trong 2 năm gần nhất là 10,75% (2022) và 18,75% (2023), tương ứng mức lợi suất cổ tức/thị giá hiện nay từ 6,98 - 12,1%.

Tin bài liên quan