Theo kế hoạch kinh doanh được cổ đông Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (mã chứng khoán PPC: HOSE) thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, trong năm 2022, Công ty đặt mục tiêu sản lượng điện đạt 4.043 triệu kWh và điện năng bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đạt 3.647 triệu kWh, tăng 36% so với thực hiện năm 2021.
Các chỉ tiêu kinh doanh cũng dự kiến tăng trưởng với kế hoạch doanh thu đạt 5.428 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 278 tỷ đồng, tăng lần lượt 23% về doanh thu và 57% về lợi nhuận so với thực hiện năm 2021.
Tuy vậy, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, tỷ lệ tăng trưởng cao trong kế hoạch doanh thu và lợi nhuận của Nhiệt điện Phả Lại chủ yếu dựa trên mức nền thấp của năm 2021, khi Công ty chỉ đạt doanh thu 3.868 tỷ đồng, giảm 51% so với thực hiện năm 2020; lợi nhuận sau thuế đạt 216 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 1.011 tỷ đồng năm 2020 và ghi nhận năm có lợi nhuận thấp nhất kể từ năm 2011.
Báo cáo tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, Ban lãnh đạo Nhiệt điện Phả Lại cho biết, Tổ máy S6 đang trong quá trình khắc phục sự cố, song gói thầu “Sửa chữa khắc phục sự cố tuabin - máy phát S6 dây chuyền 2” vẫn đang lựa chọn nhà thầu. Việc sửa chữa để đưa vào hoạt động được đánh giá khó kịp tiến độ trong năm 2022.
Nhu cầu tiêu thụ điện giảm thấp, ảnh hưởng đến sản lượng được huy động của nhà máy. Chi phí nhiên liệu tăng cao, ảnh hưởng đến hiệu quả của sản lượng điện phát trên thị trường điện cạnh tranh.
Ngoài ra, Tổ máy S6 bị sự cố và ngừng phát điện từ giữa tháng 3/2021, còn Tổ máy S5 cũng ngừng hoạt động để đại tu, sửa chữa từ đầu tháng 10/2021 đến giữa tháng 12/2021, là hàng loạt khó khăn mà Công ty phải đối mặt.
Thực tế, những khó khăn này đã khiến lợi nhuận gộp của Nhiệt điện Phả Lại lỗ đến 233,55 tỷ đồng trong năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt được chủ yếu đến từ hoạt động tài chính khi các khoản đầu tư vào Nhiệt điện Hải Phòng, Nhiệt điện Quảng Ninh gia tăng tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt, giúp doanh thu tài chính của Nhiệt điện Phả Lại đạt 452,3 tỷ đồng, tăng 58% so với năm 2020.
Năm 2022, nhu cầu tiêu thụ điện dự báo tăng trưởng mạnh trở lại, khi nền kinh tế phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, không còn các đợt giãn cách xã hội đang là yếu tố hỗ trợ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất điện, trong đó có Nhiệt điện Phả Lại nhờ sản lượng điện được phân bổ huy động cao hơn. Điều này sẽ giúp gia tăng đáng kể hiệu quả của các tổ máy.
Tuy vậy, bức tranh kinh doanh của Công ty tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn khi giá than duy trì xu hướng tăng. Việc sửa chữa Tổ máy S6 dự kiến còn tiếp tục kéo dài. Nhiều dây chuyền, thiết bị của các tổ máy khác cũng trong tình trạng xuống cấp, đến thời điểm cần thay thế, điều này không chỉ khiến gia tăng nhu cầu vốn đầu tư, mà còn tiềm ẩn rủi ro phát sinh các hư hỏng, sự cố, ảnh hưởng đến hiệu suất hoạt động.
Đối với hoạt động tài chính, thu nhập cũng được dự báo sụt giảm khi mức chi trả cổ tức tiền mặt trong năm nay của các công ty như Nhiệt điện Hải Phòng, Nhiệt điện Quảng Ninh đều giảm mạnh so với năm 2021, căn cứ theo phương án chi trả cổ tức được Đại hội đồng cổ đông thường niên của các doanh nghiệp này thông qua.
Tại Nhiệt điện Phả Lại, trong năm 2021 cũng đã trả cổ tức bằng tiền cho cổ đông lên đến 1.830 tỷ đồng, điều này ảnh hưởng đáng kể đến lượng tiền tích lũy của Công ty cũng như phần thu nhập từ lãi tiền gửi ngân hàng trong năm nay. Báo cáo tài chính của Nhiệt điện Phả Lại cho biết, số dư tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn trên 3 tháng đến cuối năm 2021 giảm 59,4% so với đầu năm, từ 1.515 tỷ đồng xuống còn 615 tỷ đồng và đến cuối quý I/2022 tiếp tục giảm xuống còn 585 tỷ đồng.
Trong quý I/2022, kết quả kinh doanh của Nhiệt điện Phả Lại cũng kém khả quan, với doanh thu thuần đạt 1.077,4 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước; lợi nhuận gộp thu về đạt 41,8 tỷ đồng, tăng 40% so với quý I/2021, nhưng thu nhập từ hoạt động tài chính giảm 42,6% do lãi tiền gửi và thu nhập cổ tức cùng sụt giảm, khiến lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 80,4 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2021.