Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 1 & 2 của HND sản xuất hàng tỷ KWh điện mỗi năm

Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 1 & 2 của HND sản xuất hàng tỷ KWh điện mỗi năm

Nhiệt điện Hải Phòng: Cơ hội cho nhà đầu tư ưa cổ phiếu cơ bản

(ĐTCK) Ngày 5/10/2016, Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng chính thức chào sàn UPCoM, với mã chứng khoán HND. Sự kiện này mở thêm cơ hội cho những nhà đầu tư ưa thích cổ phiếu của các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh cốt lõi ổn định và nhiều tiềm tăng.

Triển vọng ngành điện

Hiện tại, cơ cấu nguồn điện của Việt Nam chủ yếu là nhiệt điện và thủy điện. Dù là doanh nghiệp nhiệt điện hay thủy điện thì các doanh nghiệp ngành điện đều có triển vọng tăng trưởng khi thực tế cho thấy, tốc độ tăng tiêu thụ điện luôn vượt xa so với tốc độ tăng trưởng GDP và nước ta thường xuyên phải nhập khẩu điện để đáp ứng nhu cầu. Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện VII), nhu cầu điện của Việt Nam dự báo tăng 11,15%/năm trong giai đoạn 2016 - 2020.

Đáng chú ý, yếu tố hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp ngành điện là lộ trình cải cách giá điện trong Quy hoạch điện VII, theo đó giá bán lẻ điện có thể tăng đến 0,09 USD/kWh vào năm 2020, tương đương mức tăng giá trung bình hàng năm là 5,2%.

Tuy nhiên, các nhà máy thủy điện có một số hạn chế như vào những năm khô hạn, mức nước dâng của các hồ thủy điện đầu năm đều thấp hơn mực nước dâng bình thường, ảnh hưởng đến sản lượng sản xuất điện. Trong khi đó, để phục vụ chống hạn, các hồ thủy điện vẫn phải thực hiện nhiệm vụ cấp nước phục vụ nông nghiệp, làm giảm lượng điện dự trữ, càng khiến các nhà máy thủy điện bị giảm sản lượng điện vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6 hàng năm.

Mặt khác, theo Quy hoạch điện VII, Nhà nước định hướng đầu tư phát triển nhiệt điện, thu hẹp thủy điện. Điều này sẽ đem lại nhiều triển vọng tăng trưởng đối với các doanh nghiệp nhiệt điện.

Thế mạnh riêng của Nhiệt điện Hải Phòng

Với mục tiêu đáp ứng nhu cầu điện cấp bách cho hệ thống điện và cung cấp ổn định cho khu vực tam giác kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Nhiệt điện Hải Phòng đã được Thủ tướng Chính phủ giao làm chủ đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 1 và 2 đặt tại xã Tam Hưng, huyện Thuỷ Nguyên, TP. Hải Phòng. Hai nhà máy có công suất 4 x 300 MW, tổng mức đầu tư hơn 1,2 tỷ USD. Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 1 đã đi vào vận hành thương mại từ năm 2011, Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 2 vận hành thương mại từ năm 2014.

Đây là hai nhà máy thuộc Top các nhà máy nhiệt điện đốt than lớn nhất trong hệ thống điện Việt Nam. Từ khi đưa vào vận hành thương mại, Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 1 và 2 hoạt động ổn định với hệ số khả dụng cao, bình quân hơn 90%. Đến nay, Nhà máy đã phát lên lưới điện quốc gia khoảng 26 tỷ KWh, mang lại doanh thu 34.000 tỷ đồng.

Nhờ tiềm năng phát triển của ngành và thế mạnh riêng, Nhiệt điện Hải Phòng duy trì được kết quả kinh doanh khả quan. Năm 2014, Công ty đạt doanh thu thuần gần 8.296 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 330,6 tỷ đồng. Năm 2015, doanh thu thuần đạt hơn 9.110 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 391,6 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2016, Công ty đạt 5.133 tỷ đồng doanh thu thuần và 209 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Kế hoạch năm 2016 của Nhiệt điện Hải Phòng là đạt 427,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; dự kiến năm 2017 sẽ đạt 501,9 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Nhiệt điện Hải Phòng có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, tương ứng 500 triệu cổ phiếu, với cơ cấu cổ đông khá “cô đặc”. Tại thời điểm 15/8/2016, các cổ đông lớn của Công ty nắm giữ hơn 93% vốn, bao gồm: Tổng công ty Phát điện 2 sở hữu 51%, CTCP Nhiệt điện Phả Lại sở hữu 25,97%, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước sở hữu 9%, Tổng công ty Điện lực TKV - CTCP sở hữu 7,21%. Ngoài ra, Nhiệt điện Hải Phòng có một số cổ đông tổ chức khác như CTCP Nhiệt điện Bà Rịa nắm giữ 2% vốn, Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt nắm giữ 1,74% vốn, Tổng công ty Bảo Việt Nhân thọ nắm giữ 0,76% vốn, CTCP Thủy điện Thác Bà nắm giữ 0,6% vốn. Các cổ đông cá nhân nắm giữ 1,72% vốn.

Theo một số chuyên gia chứng khoán, do cơ cấu cổ đông cô đặc nên số lượng cổ phiếu tự do lưu hành thực tế của Nhiệt điện Hải Phòng không cao. Tuy nhiên, với triển vọng của ngành và thế mạnh riêng, kỳ vọng cổ phiếu HND sẽ hấp dẫn nhà đầu tư và có giao dịch sôi động, thanh khoản cao.             

Tin bài liên quan