Tại Đại hội, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, Hội đồng Hiệp hội triệu tập Đại hội bất thường để thông qua Điều lệ sửa đổi, bổ sung để phù hợp với yêu cầu hoạt động của Hiệp hội trong giai đoạn mới cũng như phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.
Báo cáo tóm tắt việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, thực hiện Nghị quyết số 104/NQ-HĐHH ngày 23/3/2021 của Hội đồng Hiệp hội tại kỳ họp thứ nhất nhiệm kỳ VII trong đó có chủ trương nghiên cứu rà soát sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Cơ quan Thường trực đã rà soát và đánh giá việc thực hiện Điều lệ 2014.
“Trên quan điểm tạo cơ chế thuận lợi cho công tác quản lý và phát triển hoạt động của Hiệp hội phù hợp với xu thế phát triển của ngành trong tiến trình hội nhập và giao lưu quốc tế nhưng vẫn đảm bảo thực hiện theo quy định pháp luật, cũng như kế thừa cơ bản những nội dung của Điều lệ năm 2014, Cơ quan Thường trực đã xây dựng dự thảo Điều lệ Hiệp hội Ngân hàng sửa đổi bổ sung”, ông Nguyễn Quốc Hùng nói.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng phát biểu tại Đại hội |
Dự thảo này đã được hoàn thiện sau khi Lãnh đạo Hiệp hội (Chủ tịch, các Phó chủ tịch) trao đổi, thảo luận nhiều lần, lấy ý kiến thống nhất từ Hội đồng Hiệp hội, tham khảo ý kiến của Vụ Tổ chức phi Chính phủ - Bộ Nội vụ, của Ngân hàng Nhà nước; ý kiến góp ý từ Ban Kiểm tra, các đơn vị trực thuộc, các Tổ chức hội viên và các Ban, đơn vị của Cơ quan Thường trực… dự thảo đã qua 5 lần tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung.
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết thêm: “Những nội dung phù hợp đã được Ban soạn thảo và Hội đồng Hiệp hội nghiên cứu, tiếp thu chỉnh sửa, bổ sung và một số nội dung cần xem xét nghiên cứu hoặc chưa hợp lý có giải trình rõ ràng”.
Điểm đáng chú ý, dự thảo Điều lệ sửa đổi, bổ sung nội dung khoản 1 Điều 13. Đại hội Hiệp hội. Theo đó, thay vì “Đại hội nhiệm kỳ được tổ chức 4 (bốn) năm một lần”, thì tại dự thảo sửa đổi đã sửa đổi, bổ sung thành “Đại hội nhiệm kỳ được tổ chức 5 (năm) năm một lần kể từ ngày kết thúc Đại hội nhiệm kỳ trước”.
Lý giải việc sửa đổi bổ sung này, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho biết, theo quy định tại Nghị định 45/NĐ-CP của Chính phủ “Nhiệm kỳ đại hội do Điều lệ hội quy định nhưng không quá 5 năm…”.
Như vậy, về mặt pháp lý cho phép nhiệm kỳ Hiệp hội là 5 năm, mặt khác nhiệm kỳ của tổ chức đảng, đoàn thể hiện nay cũng quy định là 5 năm. Việc quy định nhiệm kỳ đại hội Hiệp hội 5 năm nhằm phù hợp, đồng bộ với nhiệm kỳ tổ chức đảng, đoàn thể tại cơ quan thường trực, đồng thời tránh thay đổi nhân sự chủ chốt vào năm cuối nhiệm kỳ, mặt khác cũng nhằm phù hợp với hoạt động có tính đặc thù cao của Hiệp hội Ngân hàng.
“Thực tế hiện nay, hầu hết các Hội, Hiệp hội nghề nghiệp ở Việt Nam đều đang thực hiện nhiệm kỳ 5 năm”, ông Hùng cho biết.
Dự thảo điều lệ cũng bổ sung thêm khoản 3 Điều 12 về cơ cấu tổ chức “Thường trực Hội đồng Hiệp hội”, theo đó bổ sung Điều 17 quy định chi tiết về Thường trực Hội đồng Hiệp hội.
Cụ thể, “Thường trực Hội đồng Hiệp hội” là cơ quan giúp Hội đồng Hiệp hội triển khai và điều hành trực tiếp các nhiệm vụ, kế hoạch do Hội đồng Hiệp hội đề ra. Thường trực Hội đồng Hiệp hội bao gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và Tổng Thư ký. Nhiệm kỳ của Thường trực Hội đồng Hiệp hội cùng với nhiệm kỳ Hội đồng Hiệp hội.
Tại khoản 3 Điều 19 dự thảo Điều lệ sửa đổi bổ sung lần này quy định “Phó chủ tịch Hiệp hội do Hội đồng hiệp hội bầu trong số các thành viên Hội đồng. Số lượng Phó chủ tịch do Hội đồng Hiệp hội quyết định, trong đó một Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký”. Lý do của việc sửa đổi này là do Tổng Thư ký là người thay mặt Hội đồng Hiệp hội điều hành trực tiếp Cơ quan thường trực và thực hiện một số nhiệm vụ trong các hoạt động đối nội, đối ngoại và một số nhiệm vụ khác theo phân cấp, ủy quyền của Chủ tịch Hiệp hội… Do đó, việc cơ cấu Tổng Thư ký trong Ban lãnh đạo Hiệp hội vị trí Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký là cần thiết.
Được biết, hiện nay nhiều Hội, Hiệp hội đang quy định một Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký. Hiệp hội Ngân hàng là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp lớn và quan trọng trong hệ thống Hội, Hiệp hội ở Việt Nam, việc cơ cấu Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký là phù hợp). Theo đó, dự thảo Điều lệ bổ sung thêm quyền và nghĩa vụ của Tổng Thư ký cho phù hợp với quyền hạn và nghĩa vụ của Tổng Thư ký do một Phó Chủ tịch kiêm nhiệm.
Đến nay, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có 74 tổ chức hội viên. Hiệp hội hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức hội viên, tập hợp, động viên hội viên hợp tác, hỗ trợ nhau trong hoạt động kinh doanh.
Thực hiện vai trò cầu nối giữa các hội viên với cơ quan quản lý Nhà nước, hỗ trợ hoạt động của các TCHV hoạt động an toàn hiệu quả, phát triển bền vững, qua đó góp phần thực thi chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Thực hiện công tác truyền thông về các hoạt động ngân hàng tới các tổ chức, cá nhân trong xã hội nhằm tạo sự đồng thuận trong quá trình thực hiện các hoạt động của ngành Ngân hàng, các tổ chức hội viên.