Chiều 25/3 Quốc hội đã thảo luận tại tổ về các báo cáo nói công tác nhiệm kỳ, bao gồm báo cáo của Chinh phủ - (Ảnh Duy Linh).

Chiều 25/3 Quốc hội đã thảo luận tại tổ về các báo cáo nói công tác nhiệm kỳ, bao gồm báo cáo của Chinh phủ - (Ảnh Duy Linh).

Nhiệm kỳ Chính phủ dưới góc nhìn đại biểu Quốc hội

0:00 / 0:00
0:00
Có thể thấy phần đánh giá ưu điểm và hạn chế trong nhiệm kỳ này của Chính phủ khá cân bằng. Đại biểu Quốc hội cũng đóng góp nhiều ý kiến để Chính phủ thực hiện nhiệm vụ tốt hơn.

Ngày 27/3, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã ký báo cáo tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về Báo cáo tổng kết công tác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021, gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.

Đây là tài liệu phục vụ phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội về báo cáo công tác nhiệm kỳ này của Chính phủ, trong ngày 29/3 tới đây.

Trước đó, chiều 25/3 Quốc hội đã thảo luận tại tổ về báo cáo nói trên, cùng với các báo cáo công tác nhiệm kỳ của Quốc hội, Chủ tịch nước, Kiểm toán Nhà nước, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và Toà án nhân dân Tối cao.

Với riêng báo cáo nhiệm kỳ của Chính phủ, đã có 98 ý kiến lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu, 1 ý kiến góp ý bằng văn bản.

Qua tổng hợp của Tổng thư ký Quốc hội, có thể thấy phần đánh giá ưu điểm và hạn chế trong nhiệm kỳ này của Chính phủ khá cân bằng. Các vị đại biểu Quốc hội cũng đóng góp nhiều ý kiến để Chính phủ thực hiện nhiệm vụ của mình tốt hơn.

Chính phủ cần thay đổi cơ cấu tổ chức, tập trung vào xây dựng thể chế

Về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ và Quy chế làm việc của Chính phủ, có ý kiến đại biểu cho rằng hiện nay, Chính phủ còn đang tập trung nhiều vào công tác chỉ đạo sự vụ. Đại biểu góp ý cần thay đổi cơ cấu tổ chức, tập trung vào công tác xây dựng thể chế (xây dựng, trình Quốc hội thông qua; đề xuất giải pháp thi hành luật).

Về hoạch định chính sách, xây dựng và hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật theo tinh thần thượng tôn pháp luật, một số vị đại biểu nhận xét Chính phủ đã rất nỗ lực trong công tác xây dựng pháp luật, tổ chức nhiều phiên họp chuyên đề về pháp luật; chủ động, kịp thời rà soát và bãi bỏ hoặc đề xuất sửa đổi các quy phạm pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn, không rõ ràng; một số vấn đề tồn tại, hạn chế đã từng bước được khắc phục.

Một số ý kiến đề nghị đánh giá kỹ về một số vấn đề trong hoạch định chính sách, xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật như: một số dự án luật do Chính phủ trình chưa được đồng thuận, thống nhất cao; chưa bảo đảm yêu cầu tiến độ, chất lượng; còn tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; việc hoàn thiện chính sách, pháp luật ở một số lĩnh vực chủ chốt (như pháp luật về đất đai) còn chậm; công tác tổ chức thực hiện, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát còn hạn chế...

Có đại biểu đề nghị một số Bộ, ngành phải nghiêm túc đánh giá về công tác ban hành thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành pháp luật. Một số vị đề nghị trong xây dựng pháp luật cần bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, thống nhất.

Trong phiên thảo luận tổ, đại biểu cũng góp ý về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đổi mới phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước gắn với xây dựng Chính phủ điện tử.

Theo đó, đại biểu cho rằng trong thực hiện cải cách hành chính, đặc biệt là thực hiện thủ tục điện tử phải đánh giá kỹ, có thí điểm, khảo sát và có lộ trình phù hợp để bảo đảm hiệu quả, phù hợp với thực tiễn ở địa phương, Đối với những thủ tục hành chính liên thông thuộc thẩm quyền của trung ương thì cần bảo đảm tiến độ trả kết quả cho địa phương, cơ sở.

Trong cải cách thủ tục hành chính, đề nghị lưu ý không phải chỉ tính toán là đã giảm được bao nhiêu công chức, viên chức mà phải tính đến việc tăng cường thanh tra, hậu kiểm và điều kiện kèm theo vì bớt tiền kiểm nhưng phải tăng hậu kiểm.

Có ý kiến đề nghị Chính phủ cần đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp về dịch vụ công, đồng thời, quan tâm xây dựng mô hình kinh tế mới, phù hợp, khơi thông được nguồn lực trong phát triển- Tổng thư ký Quốc hội phản ánh.

Đánh giá kỹ hơn một số hạn chế

Đánh giá chung về ưu điểm, hạn chế, có đại biểu cho rằng trong 5 năm qua, Chính phủ đã đạt được nhiều thành tựu, sự chỉ đạo hết sức quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là trước những bước ngoặt, những tình huống khó khăn, thử thách đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước đã tạo sự ổn định để phát triển, nhận được sự đồng thuận cao trong các tầng lớp Nhân dân.

Theo đại biểu Quốc hội, kết quả đạt được trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức đã cho thấy sự nỗ lực, tầm nhìn và khả năng ứng biến, điều hành linh hoạt của Chính phủ, nổi bật là sự điều hành quyết liệt và kịp thời, giải quyết một số vấn đề cấp bách có hiệu quả.

Về 9 tồn tại, hạn chế của Chính phủ Báo cáo công tác nhiệm kỳ đã chỉ ra, qua thảo luận tổ, có đại biểu đề nghị Chính phủ lưu ý đánh giá kỹ hơn một số vấn đề như hạn chế về năng lực dự báo, một số tiêu chí về phát triển kinh tế - xã hội chưa phù hợp. Hay, một số cơ chế, chính sách còn thiếu tầm nhìn dài hạn, tính khả thi chưa cao, các đột phá chiến lược về kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; hạn chế trong vấn đề phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành trung ương và các cấp chính quyền địa phương.

Trong xây dựng pháp luật, một số ý kiến cho rằng công tác này còn hạn chế, một số dự án còn chưa bảo đảm chất lượng, chưa đáp ứng tiến độ theo quy định. Việc giải quyết mâu thuẫn của các quy định pháp luật đã được phát hiện còn chậm; bức xúc của người dân đã được các đại biểu Quốc hội phản ánh liên quan đến lĩnh vực đất đai, quy hoạch nhưng chưa được quan tâm, Luật Đất đai chậm được sửa đổi.

Về lĩnh vực kinh tế, một số vị đại biểu góp ý cần đánh giá rõ hơn về việc chậm trễ trong triển khai các công trình trọng điểm, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Đại biểu cũng đánh giá, đầu tư cho nông nghiệp còn thiếu đồng bộ, đặc biệt là chế biến, chế biến sâu; đề nghị Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này, đặc biệt là các doanh nghiệp chế biến, chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp.

Có ý kiến đề nghị Báo cáo làm rõ thêm về việc một số dự án lớn được quyết định chủ trương đầu tư nhưng chậm được triển khai, Tổng thư ký Quốc hội phản ánh.

Tin bài liên quan