Cải thiện thị giá cổ phiếu, có khó không?
Tổng giám đốc một công ty quản lý quỹ nhận xét, CEO của doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam “nhàn”. Giải thích cho điều này, vị tổng giám đốc nói, tại các thị trường thế giới, ngoài mục tiêu doanh số và lợi nhuận, CEO còn chịu áp lực nhảy sào về thị giá cổ phiếu. Điều này quả thực rất “khắc nghiệt” vì thị trường chứng khoán nào ai lường trước được.
Để thực hiện được mục tiêu hỗ trợ giá cổ phiếu, lãnh đạo doanh nghiệp phải tìm tới nhiều công cụ, trong đó có IR. Vì thế, hoạt động quan hệ nhà đầu tư tại các thị trường vốn nước ngoài rất phát triển, khác xa so với ở Việt Nam.
Vậy IR là gì? Nhiều doanh nghiệp niêm yết lơ mơ về hoạt động này, thậm chí không ít doanh nghiệp trong Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam vẫn coi nhẹ, không có bộ phận IR hoặc bố trí nhân viên kiêm nhiệm.
Theo Thomas M. Ryan và Chad A. Jacobs, hai chuyên gia quản lý danh mục hàng đầu phố Wall, hoạt động IR truyền thống bao gồm việc công bố thông tin cần thiết như báo cáo thường niên, báo cáo tài chính quý, báo cáo tài chính năm và một số hoạt động truyền thông như ra thông cáo báo chí hay các buổi đối thoại, gặp gỡ nhà đầu tư. IR tốt thường hỗ trợ đắc lực trong việc tối đa hoá giá trị doanh nghiệp, củng cố hoạt động gọi vốn trên thị trường, từ đó doanh nghiệp có chi phí vốn hợp lý, đồng thời thương hiệu công ty cũng được hưởng lợi tích cực.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, có không ít doanh nghiệp đánh đồng IR với làm giá, đẩy giá cổ phiếu, huy động và bán được càng nhiều cổ phiếu càng tốt. Đây là cách nghĩ sai lệch, vì nếu giá cổ phiếu không được xây dựng trên nền tảng cơ bản và giá trị thật của doanh nghiệp, không sớm thì muộn cũng rớt giá.
Bởi thế, IR không phải là để tô vẽ nên một bức tranh giả tạo mà bản chất là cung cấp cho nhà đầu tư cái nhìn hợp lý và chính xác nhất về thực trạng, cũng như triển vọng của doanh nghiệp.
Vì quan niệm chưa chính xác nên nhiều doanh nghiệp đặt chung bộ phận IR và PR, trong khi nhân viên quan hệ công chúng không có bất cứ kỹ năng và hiểu biết gì về thị trường vốn, không có khả năng đọc được báo cáo tài chính, thậm chí cả những khái niệm đơn giản nhất như chia tách, chốt quyền... cũng không nắm rõ.
Có doanh nghiệp quy mô vốn tới cả nghìn tỷ đồng nhưng lại đặt IR trong bộ phận nhân sự, với lý do đây là bộ phận được tin cẩn với lãnh đạo doanh nghiệp.
Bởi thế, không khó hiểu khi trên thị trường chứng khoán vẫn có rất nhiều công ty đang có thị giá cổ phiếu thấp hơn giá trị sổ sách, mùa đại hội đồng cổ đông nào lãnh đạo doanh nghiệp cũng bị chất vấn về việc để giá cổ phiếu quá thấp so với giá trị doanh nghiệp, có cách nào để thị trường phản ánh đúng... Câu trả lời chung nhất là: “Chúng tôi chỉ biết tập trung vào sản xuất kinh doanh, không có cách nào tác động tới thị giá cổ phiếu, bởi đây là do thị trường quyết định”. Tổng giám đốc một công ty còn trả lời thật thà: “Bắt chúng tôi nhảy sào trên thị trường chứng khoán là bất khả thi".
Song thực tế có khó khăn như vậy không? Ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho biết, cũng như các hoạt động kinh doanh, hoạt động IR cần chuyên nghiệp. Không phải doanh nghiệp nào cũng chứng khoán hóa hoạt động của mình dễ dàng, vì thế bộ phận tư vấn doanh nghiệp của các công ty chứng khoán trong năm 2019 này có thêm nhiều hợp đồng mới là các dịch vụ IR.
Ông Lê Hà Giang, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Đầu tư và phát triển đô thị Long Giang (Long Giang Land, mã LGL) trước đây ít khi xuất hiện trên thị trường tài chính và chia sẻ những thông tin về doanh nghiệp. Song hiện nay, ông sẵn sàng trao đổi cởi mở với giới truyền thông, với các nhà đầu tư, giới phân tích chứng khoán về doanh nghiệp, các kế hoạch đường dài của Công ty.
Đi kèm với việc chia sẻ thông tin này, bản thân trong lòng doanh nghiệp cũng có nhiều kế hoạch tái cấu trúc về quản trị, tài chính... để cải thiện dòng tiền, cải thiện năng lực tài chính... Khi doanh nghiệp thực sự tốt lên, thực sự có chuyển biến, chuyện nhảy sào trên thị trường chứng khoán không phải bất khả thi.
Dòng tiền rất thông minh, các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán giờ đây có con mắt vô cùng “tinh đời”. Nhiều người trong số họ đọc báo cáo tài chính nhoay nhoáy, thạo tin và biến thông tin có được thành cơ hội đầu tư để nắm bắt, để “tiền đẻ ra tiền”.
Đại hội đồng cổ đông 2019 của CTCP Phát triển Đô thị Từ Liêm (Lideco) đón nhiều bộ phận phân tích tư vấn đầu tư của các công ty chứng khoán như FPTS, Rồng Việt, SHS, BSC... Nhà đầu tư cá nhân tham dự cũng đông đúc hơn rõ rệt so với các đại hội trước. Có sự chuyển biến này là do cổ phiếu NTL trở thành một điểm sáng trên thị trường, tăng gấp đôi trong gần nửa năm qua.
Tại Đại hội, lãnh đạo doanh nghiệp, những người nắm giữ cổ phiếu lớn nhất đăng đàn chia sẻ nhiều thông tin về các dự án của doanh nghiệp, trả lời thoải mái câu hỏi của cổ đông, chất lượng thông tin được giới phân tích chứng khoán đánh giá cao. Đây chính là một phương thức IR hiệu quả, bởi sau đó thông tin đã được các chuyên gia phân tích chứng khoán chuyển tải rộng rãi đến các nhà đầu tư mở tài khoản tại công ty họ, cũng như các bản tin cập nhật về doanh nghiệp.
Công ty cổ phần Đầu tư thương mại TNG còn cử hẳn Phó chủ tịch HĐQT Công ty phụ trách hoạt động IR. Ngoài liên tục cập nhật thông tin về doanh nghiệp, doanh nghiệp này cũng rất chịu khó quan hệ với các công ty chứng khoán, cả bộ phận phân tích, tư vấn đầu tư và tư vấn doanh nghiệp. Bởi thế các phương án huy động vốn qua trái phiếu của TNG thường có chi phí hợp lý vì có thể chọn được giải pháp tối ưu nhất sau khi “so bó đũa” ở nhiều công ty chứng khoán khác nhau.
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch TNG còn rất chịu khó học hỏi và áp dụng các cách làm mới trên thị trường vốn như triển khai các mục tiêu phát triển bền vững, tài chính xanh, áp dụng các thông lệ quản trị hiện đại... Nhờ đó, TNG có những bước tiến lớn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thị giá cổ phiếu được cải thiện và luôn giành được sự quan tâm của các nhà đầu tư. IR trong trường hợp này đã hỗ trợ tích cực trở lại hoạt động sản xuất - kinh doanh cho doanh nghiệp.
Đừng để nước đến chân mới nhảy
Khác với những sản phẩm tiêu dùng hoặc máy móc thông thường, cổ phiếu là món hàng đặc biệt, vì thế không thể sử dụng thị trường vốn để tiếp thị sản phẩm của công ty. Hoặc chỉ đến khi có nhu cầu chào hàng trên thị trường tài chính, doanh nghiệp mới đầu tư cho IR, hoặc sử dụng các phương thức bị nhiễm từ PR, quảng cáo (quảng bá hơn sự thật, không đúng sự thật). Bởi nếu vậy, cộng đồng đầu tư dễ bị mất niềm tin, hiệu quả như mong muốn của IR do đó cũng không thể đạt được.
Dễ nhận thấy nhất là nhiều doanh nghiệp từ khi niêm yết cổ phiếu đến nay chưa hề tổ chức cuộc gặp gỡ nhà đầu tư, giới phân tích chứng khoán nào, nhưng đứng trước đợt phát hành lớn ra công chúng đã vội vã tổ chức sự kiện. Thông tin cần có thời gian thẩm thấu, thông tin trên thị trường vốn còn cần thời gian để chứng minh là chính xác hay là tô vẽ... nên nếu chỉ quan niệm rằng vài giờ đồng hồ trao đổi với nhà đầu tư, đưa ra dăm câu ba điều, mọi việc sẽ thay đổi, thị giá cổ phiếu sẽ tăng nhanh. Có chăng chỉ là doanh nghiệp “ảo tưởng”.
Có doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhà thầu xây dựng, có hẳn ban bệ IR bài bản, cũng có bộ phận PR hoành tráng, chủ tịch rất chịu khó phát biểu ở khắp các diễn đàn nhưng thị giá cổ phiếu vẫn liên tục đi xuống. Nguyên nhân ở đây xuất phát từ chính nội tại doanh nghiệp, phương thức hoạt động mang nặng tính rủi ro từ các khoản vốn bị đối tác trả chậm, chiếm dụng, từ hệ thống quản trị cốt lõi không chặt chẽ dẫn đến bị tham nhũng nội bộ... IR không “biết người, biết ta” khi liên tục đưa các thông tin hào nhoáng về việc ký kết được các hợp đồng lớn, trả cổ tức sớm... nhưng nhà đầu tư vẫn “cao chạy xa bay”.
IR muốn hiệu quả chắc chắn phải là hoạt động lâu dài, thường xuyên, đội ngũ IR của doanh nghiệp phải có sự hiểu biết về thị trường vốn, biết rõ vị thế của doanh nghiệp và xây dựng được niềm tin với nhà đầu tư, xuất phát từ lõi của doanh nghiệp.