Nhất trí tăng tỷ lệ vốn nhà nước tại dự án PPP lên không quá 70%

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều ý kiến tại Ủy ban Kinh tế Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Chiều 27/10, thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình Quốc hội về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ (Dự thảo).

Thẩm tra, nhiều ý kiến tại Ủy ban Kinh tế Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Với đề xuất tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) từ 50% lên 70%, Ủy ban Kinh tế cho rằng, các dự án giao thông đường bộ thường có chi phí thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tổng mức đầu tư rất lớn, dẫn đến khó khăn trong việc thu hút nguồn vốn ngoài nhà nước tham gia đầu tư.

Do đó, để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc phát triển hệ thống giao thông đường bộ, cơ quan thẩm tra cơ bản nhất trí với đề xuất tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án đề xuất thí điểm.

Về đề xuất giao UBND cấp tỉnh có khả năng bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án đường quốc lộ, đường cao tốc đi qua địa phương mình, Ủy ban Kinh tế cũng cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ. Bởi việc phân cấp này đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, thực tế triển khai các dự án áp dụng cơ chế này thời gian qua cho thấy, năng lực của các Ban quản lý điều hành dự án tại các địa phương là chưa đồng bộ, có trường hợp địa phương làm tốt, có địa phương gặp khó khăn, dễ phát sinh tình trạng không hoàn thành đồng bộ, theo tiến độ của các dự án thành phần. Để Quốc hội có thêm cơ sở xem xét, quyết định, đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá sơ kết việc triển khai thực hiện chính sách này trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Đề xuất về các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương cũng nhận được sự đồng tình của cơ quan thẩm tra, nhằm tạo sự linh hoạt trong điều hành ngân sách, đáp ứng nhu cầu cấp bách của các địa phương và thuận lợi hơn cho công tác quản lý dự án…

Về cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng để có các giải pháp phù hợp hơn nữa nhằm bảo đảm tiến độ cho các dự án. Bên cạnh đó, so với Nghị quyết số 43/2022/QH15, ngoài các nhà thầu, Chính phủ đề xuất bổ sung đối tượng áp dụng cơ chế này cho các nhà đầu tư, do đó, đề nghị bổ sung, làm rõ sự cần thiết áp dụng cơ chế này đối với các nhà đầu tư thực hiện dự án

Liên quan tới cơ chế đặc thù cho dự án dùng vốn từ nguồn tăng thêm ngân sách trung ương 2022, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ rà soát lại.

Cụ thể, với các dự án hiện đã có trong danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ rà soát, chọn dự án cấp thiết, đáp ứng điều kiện để giao kế hoạch vốn kịp thời và chịu trách nhiệm, bảo đảm không dàn trải, thất thoát, lãng phí.

Còn với những dự án mới chưa có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, Chính phủ chuẩn bị thủ tục đầu tư theo quy định về đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước để trình Quốc hội xem xét, quyết định theo đúng thẩm quyền.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị chưa xem xét danh mục, mức vốn cụ thể với các dự án và không đính kèm theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội. Lý do, hiện các dự án chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư, các thông tin về dự án, tổng mức đầu tư, chưa có cơ sở để bố trí vốn ngân sách trung ương.

Danh mục dự án nêu cụ thể về mức vốn từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương, trong khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa xem xét, quyết định việc phân bổ ngân sách 2022 cho số dự án này. Trường hợp cần có danh mục kèm theo Nghị quyết để xác định rõ đối tượng áp dụng thí điểm thì đề nghị không nêu cụ thể số vốn từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho từng dự án.

Ngay sau khi nghe tờ trình và báo cáo thầm tra, Quốc hội thảo luận tại tổ về nội dung trên.

Tin bài liên quan