"Nhặt sạn" trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi

0:00 / 0:00
0:00

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (năm 2014) sửa đổi là "bước thụt lùi" so với luật trước đó.

Sức khỏe con người bị bỏ ngỏ?

Đa số các nhà khoa học môi trường, y tế và luật pháp đưa ra ý kiến tại Tọa đàm "Góc nhìn cộng đồng và chuyên gia đối với Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi" vào ngày 2/11 tỏ ra lo ngại đối với nhiều nội dung trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi (gọi tắt là dự thảo Luật), dù đã trải qua 7 lần làm dự thảo. Dự thảo Luật do Bộ Tài nguyên và Môi trường soạn thảo, dự kiến trình Quốc hội thông qua vào ngày 11/11 tới.

Ông Nguyễn Trọng An, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển môi trường sức khỏe (CHERAD). Ảnh: Quang Đăng
Ông Nguyễn Trọng An, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển môi trường sức khỏe (CHERAD). Ảnh: Quang Đăng

Ông Nguyễn Trọng An, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển môi trường sức khỏe (CHERAD) tỏ ra rất băn khoăn khi cả dự thảo Luật Bảo vệ môi trường đăng trên cổng thông tin http://duthaoonline.quochoi.vn/ của Quốc hội và dự thảo lần thứ 7 phát cho đại biểu Quốc hội đều không có báo cáo tác động của môi trường đến sức khỏe con người, động thực vật. Điều này thể hiện sự không tôn trọng quyền chăm sóc sức khỏe của người dân, vô hiệu hóa vai trò của y tế dự phòng nói riêng và hạn chế quyền và trách nhiệm của ngành y tế nói chung, chuyên gia này đánh giá.

Đại diện Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển môi trường sức khỏe cũng tỏ ra lo ngại khi trong dự thảo Luật trước kia có quy định "Điều 13. Kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí", còn dự thảo mới đây đã "vắng bóng" điều này.

Ông An cho biết, "Điều 13. Kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí" trong dự thảo lần 2 nêu rõ: (1) nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí phải được kiểm soát bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường; (2) việc xem xét, quyết định đầu tư dự án và hoạt động có phát thải khí phải căn cứ vào khả năng chịu tải của môi trường, bảo đảm không có tác động xấu đến con người và môi trường; (3) các nguồn ô nhiễm môi trường không khí xuyên biên giới, liên tỉnh, các nguồn thải khí thải lớn, các nguồn khí thải từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch phải được kiểm soát.

"Nhưng trong các dự thảo gần đây, Điều 13 đã bị loại bỏ", ông An nhấn mạnh, đồng thời cho rằng đây là điểm mâu thuẫn với "Điều 5. Chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường" trong dự thảo Luật, bởi điều này có quy định: "Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường; kiểm tra, giám sát việc thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật".

Ông Nguyễn Trọng An cũng đặt câu hỏi liệu dự thảo lần thứ 7 có tìm cách ngăn chặn mọi công cụ để người dân giám sát chất lượng và thông tin bảo vệ môi trường không khi mà toàn bộ Chương XIII trong dự thảo 7, không có điều khoản nào đề cập tới quyền và nghĩa vụ cụ thể của người dân trong giám sát chất lượng và thông tin bảo vệ môi trường.

"Chúng tôi cho rằng, việc không quy định về quyền và nghĩa vụ của người dân sẽ là kẽ hở lớn trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường; đồng thời ngăn cản quyền giám sát trực tiếp của người dân đối với các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường", ông Nguyễn Trọng An cho biết.

"Người dân cần được giám sát và thông tin về chất lượng môi trường. Nếu thông tin về chất lượng môi trường gây nguy cơ sức khỏe môi trường không được phát hiên, thông báo và truyền thông kịp thời thì có thể dẫn đến sự mất niềm tin của người dân", ông An khuyến nghị.

TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường. Ảnh: Quang Đăng
TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường. Ảnh: Quang Đăng

Trong khi đó, TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam (VCAP), nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết, bản thân ông với tư cách người tham gia công tác quản lý môi trường nhiều năm, tham khảo khá nhiều kinh nghiệm quốc tế, đã nhiều lần góp ý bản dự thảo tại các cuộc họp, thông qua văn bản.

Có nhiều điểm đã được Ban Soạn thảo nghiên cứu tiếp thu. Tuy nhiên, tại dự thảo chỉnh lý tháng 10/2020, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 49, TS. Hoàng Dương Tùng cho rằng vẫn còn nhiều "sạn".

Đơn cử, "Điều 12. Quy định chung về bảo vệ môi trường không khí" cần được chỉnh lại, bởi môi trường không khí là một vấn đề rất nóng hiện nay, nhưng các nội dung bảo vệ môi trường không khí trong dự thảo rất sơ sài, không chi tiết. Do vậy, cần xác định rõ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường không khí là gì: môi trường xung quanh, trong nhà; các địa phương, liên vùng, xuyên biên giới. Bên cạnh đó, cần có kiểm kê, đánh giá, kiểm soát các nguồn thải (cố định, di động, điểm, vùng…), các chất ô nhiễm cần ưu tiên trong giai đoạn tới (như PM2.5, ozon, VOC…), tiếng ồn độ rung.

Với Khoản 4, Điều 12 qui định các nguồn khí thải lớn phải được quan trắc, đánh giá và kiểm soát theo quy định của pháp luật mà không nhắc tới các nguồn thải trung bình và nhỏ, TS. Hoàng Dương Tùng kiến nghị bổ sung nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường không khí và sửa quy định thành "tất cả các nguồn thải bụi, khí thải phải được quan trắc, đánh giá và kiểm soát".

Đặc biệt, tại "Điều 35. Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường" trong dự thảo thiếu vắng quy định công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường (viết tắt là ĐTM) do chủ dự án nộp khi đề nghị thẩm định. Do đó, cần quy định công khai ĐTM để tăng cường trách nhiệm của chủ dự án, đơn vị tư vấn và nâng cao chất lượng của báo cáo ĐTM do chủ dự án nộp.

TS. Hoàng Dương Tùng lưu ý, "Điều 39. Trách nhiệm của cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường" trong dự thảo vẫn còn thiếu sót khi không quy định công khai báo cáo ĐTM đã được phê duyệt. Cho nên, cần công khai báo cáo này như Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã yêu cầu.

Hơn nữa, dự thảo chỉ mới quy định cơ quan quản lý công khai quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM, còn không công khai Hội đồng thẩm định. Công khai báo cáo ĐTM thì giao cho doanh nghiệp, không quy định thời điểm phải công khai, cách công khai. Về vấn đề này, ông Tùng cho rằng, cơ quan nhà nước cần công khai Hội đồng phê duyệt ĐTM, danh sách nộp hồ sơ thẩm định ĐTM, công khai nội dung thẩm định ĐTM, quy định thời điểm công khai đối với các nội dung cần công khai đúng theo tinh thần "Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra".

Ngoài ra, cần thu hẹp các đối tượng phải làm ĐTM ở cấp bộ (chỉ với những dự án đặc biệt quan trọng, có nguy cơ ô nhiễm đặc biệt cáo), còn lại phân cấp cho địa phương.

TS. Bùi Đức Hiển, Viện Nhà nước và Pháp luật. Ảnh: Quang Đăng
TS. Bùi Đức Hiển, Viện Nhà nước và Pháp luật. Ảnh: Quang Đăng

Mông lung thuật ngữ

Dưới góc độ chuyên gia pháp lý, TS. Bùi Đức Hiển, Viện Nhà nước và Pháp luật cho rằng, dự thảo lần thứ 7 Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi còn nhiều hạn chế, bất cập. Đáng nói là về mặt giải thích thuật ngữ. Dự thảo Luật không giải thích thuật ngữ "Bảo vệ môi trường", mà lại giải thích thuật ngữ "hoạt động bảo vệ môi trường"; trong khi thuật ngữ "kiểm soát ô nhiễm môi trường" được giải thích là một chu trình, nhưng chưa xác định được trong chu trình đó ai là chủ thể kiểm soát, kiểm soát bằng công cụ phương tiện nào, kiểm soát nhằm mục tiêu gì, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý ô nhiễm có phải là nội dung của kiểm soát hay là mục tiêu của kiểm soát ô nhiễm.

Về các nguyên tắc của Luật Bảo vệ môi trường, TS. Bùi Đức Hiển ghi nhận, Điều 4 dự thảo Luật đưa ra 8 nguyên tắc cơ bản làm nền tảng tư tưởng cho quá trình xây dựng và thực hiện Luật, trong đó có bổ sung nguyên tắc coi trọng giá trị tài nguyên của chất thải. Thế nhưng, việc thể hiện bằng nội dung các quy định về quản lý chất thải, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường và nhựa, còn khá mờ nhạt, chưa thể hiện đầy đủ ý nghĩa của việc coi chất thải là một loại tài nguyên.

Chưa kể, "tại Điều 66, Điều 67 của Dự thảo Luật quy định về quản lý bụi, khí thải và các chất ô nhiễm khác còn quá sơ sài", TS. Bùi Đức Hiển đánh giá. "Bụi, khí thải ở Việt Nam chủ yếu do các phương tiện giao thông, hoạt động công nghiệp, hoạt động xây dựng gây ra. Do vậy, cần phải kiểm soát được nguồn phát thải. Với phương tiện giao thông cần nâng cao quy chuẩn về khí thải đối với phương tiện giao thông nhập khẩu mới hoặc sản xuất mới trong nước theo hướng đẩy nhanh hơn lộ trình thực hiện theo quy chuẩn khí thải, tiếng ồn của khu vực và quốc tế", ông Hiển đơn cử.

Đối với các phương tiện giao thông đã qua sử dụng không đạt tiêu chuẩn về khí thải, cần phải quy định trách nhiệm của chủ sở hữu phương tiện giao thông, các nhà sản xuất trong việc thực hiện các chính sách về đổi sản phẩm, thu hồi sản phẩm trên cơ sở hỗ trợ của Nhà nước và nhà sản xuất.

Còn với bụi, TS. Bùi Đức Hiển "hiến kế", cần phải quy định về trách nhiệm của các chủ thể làm phát sinh nguồn bụi, cơ quan quản lý nhà nước về môi trường trong việc phòng ngừa, giảm thiểu nguồn bụi, trách nhiệm của các chủ đầu tư, cơ quan xây dựng trong kiểm soát nguồn bụi từ hoạt động xây dựng, trách nhiệm của các chủ phương tiện, các doanh nghiệp vận tải, của thanh tra giao thông, môi trường trong kiểm soát nguồn bụi từ hoạt động của phương tiện giao thông…

“Tuy nhiên, dự thảo Luật lại chưa quy định rõ trách nhiệm pháp lý của các tổ chức, cá nhân khi vi phạm quy định của pháp luật về quản lý bụi, khí thải”, ông Hiển lo ngại.

Tin bài liên quan