Đa số doanh nghiệp ngành giáo dục trên sàn chứng khoán hoạt động trong lĩnh vực xuất bản và kinh doanh văn hóa phẩm.

Đa số doanh nghiệp ngành giáo dục trên sàn chứng khoán hoạt động trong lĩnh vực xuất bản và kinh doanh văn hóa phẩm.

Nhạt nhòa cổ phiếu ngành giáo dục

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cổ phiếu ngành giáo dục chủ yếu có vốn hóa nhỏ, thanh khoản thấp, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh mang tính truyền thống, ổn định, sản phẩm thiếu đa dạng…

Đại dịch tàn phá

Nếu chỉ nhìn vào kết quả kinh doanh của một số tên tuổi đầu ngành trong khoảng hơn 20 doanh nghiệp thuộc nhóm ngành giáo dục trong nửa đầu năm 2021 thì ngành này có vẻ miễn nhiễm với dịch Covid-19.

Cụ thể, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Hà Nội (EID) đạt 499,4 tỷ đồng doanh thu và 34,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt gấp 1,28 lần và 1,27 lần cùng kỳ.

Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Giáo dục Phương Nam (SED) ghi nhận 364,6 tỷ đồng doanh thu và 16,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt gấp 1,53 lần và 1,24 lần cùng kỳ.

Một số doanh nghiệp khác cũng có kết quả kinh doanh khả quan trong 6 tháng đầu năm 2021 như Công ty cổ phần Đầu tư Sao Thăng Long (DST), với 15,8 tỷ đồng doanh thu và hơn 4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; Công ty cổ phần Sách và Thiết bị giáo dục miền Nam (SMN), với 274,2 tỷ đồng doanh thu và 5,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế...

Liên quan đến giáo dục, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long (TLG) trong ngành văn phòng phẩm đạt doanh thu 1.428,3 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 176 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021, lần lượt gấp 1,27 lần và hơn 10 lần cùng kỳ năm 2020.

Năm ngoái, chịu tác động của dịch bệnh Covid-19 khiến hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng mạnh nên từ đầu năm 2021, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã nỗ lực đẩy mạnh hoạt động sản xuất. Ghi nhận của Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, ngành phục vụ các hoạt động giáo dục đã có sự tăng trưởng khá đột biến trong nửa đầu năm 2021. Tuy nhiên, sự bứt tốc chỉ diễn ra ở một số ít doanh nghiệp trong 5 tháng đầu năm.

Sau đó, đại dịch bùng phát trở lại, đặc biệt ở phía Nam, dẫn tới giãn cách xã hội kéo dài. Giãn cách tại TP.HCM và Hà Nội, hai thị trường vốn mang lại thị phần lớn của các công ty cung cấp thiết bị sản phẩm phục vụ hoạt động giáo dục, đã tác động trực tiếp đến tình hình sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp.

Nhiều cửa hàng đã phải dừng hoạt động bắt buộc, các hoạt động kinh doanh bị ngừng trệ. Điều này không chỉ ảnh hưởng riêng với các nhà cung cấp thiết bị, văn phòng phẩm phục vụ hoạt động giáo dục, mà còn ảnh hưởng tới các nhà phát hành sách.

Chẳng hạn, Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam (PNC) lỗ 8,2 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2021, mặc dù doanh thu gấp 1,13 lần cùng kỳ năm trước, đạt 246,3 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Phát hành sách TP.HCM (FHS) với hơn 110 nhà sách tại 46 tỉnh, thành phố dự kiến doanh số của hoạt động kinh doanh tiếp tục đi xuống, khi rất nhiều cửa hàng trong hệ thống phải tạm đóng cửa theo yêu cầu phòng chống dịch.

Dịch Covid-19 khiến trường học tại nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện đào tạo từ xa, báo hiệu thực trạng khó khăn chưa từng có với các doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục.

Trong giai đoạn giãn cách vừa qua, thông tin từ các nhà phát hành sách cho biết, họ tập trung vào bán hàng online, nhưng việc vận chuyển hàng bị ách tắc do hầu hết các đơn vị vận chuyển phải dừng hoạt động bắt buộc. Đồng thời, việc chuyển đổi số với hình thức bán sách điện tử cũng không hề dễ dàng.

Ở nhóm doanh nghiệp đào tạo như Công ty Đầu tư Apax Holdings (IBC) phải đối mặt với bài toán lớn khi các học viên không thể đến lớp, nên hầu như không có doanh thu từ hoạt động đào tạo trực tiếp, mà chủ yếu nhờ vào các sản phẩm đào tạo online.

Trên sàn chứng khoán, đa số cổ phiếu của doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục có thanh khoản thấp và diễn biến giá kém khả quan như BDB, BED, BST, EBS…

Nỗi lo trong tương lai

Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Rất nhiều kỳ vọng và yêu cầu đổi mới được Chính phủ đặt ra nhằm mang tính chất “đòn bẩy, điểm tựa” để phát triển giáo dục. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục thừa nhận, bản thân đang tụt hậu so với nhu cầu và đòi hỏi đổi mới của thị trường.

Trên thị trường chứng khoán hiện có hơn 20 doanh nghiệp mang danh ngành giáo dục, nhưng phần lớn thuộc lĩnh vực xuất bản và kinh doanh văn hóa phẩm, vốn mang nặng tính thời vụ và rủi ro cao với các biến cố như Covid-19, nên ít có các hoạt động phát triển đào tạo giáo dục chuyên sâu gắn với yếu tố nền tảng công nghệ.

Ngoại trừ Đại học Tân Tạo thuộc Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghệ Tân Tạo và Đại học FPT của Công ty cổ phần FPT, các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán cung cấp dịch vụ liên quan đến giáo dục hiện nay rất ít.

Bản thân các doanh nghiệp “có tiếng” trong lĩnh vực giáo dục thuộc nhóm cung cấp thiết bị - văn phòng phẩm hay xuất bản sách cũng rất ít thực hiện chiến lược đầu tư mới để đa dạng sản phẩm, có thêm những sản phẩm sáng tạo, giá trị.

Thực tế, một số mô hình ứng dụng nền tảng công nghệ vào việc học tiếng Anh hay tự học đã được hiện thực hóa như một mô hình kinh doanh, nhưng hầu hết mới chỉ là ý tưởng khởi nghiệp với quy mô khiêm tốn và chưa mô hình nào tạo được dấu ấn. Trong khi đó, các mô hình đào tạo trực tiếp như Apax Holdings cũng đang đối mặt với thử thách không nhỏ.

Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2021 của FPT cho thấy, mảng giáo dục tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.362 tỷ đồng. Tuy nhiên, bản thân lãnh đạo FPT nhiều lần khẳng định, công cuộc theo mảng giáo dục chuyên sâu vẫn là chặng đường dài và không thể một sớm một chiều có thể thành công. Một số mảng kinh doanh mới triển khai cuối năm 2020 của FPT vẫn đang trong thời gian đầu tư, hiện chưa tạo ra lợi nhuận.

Theo đánh giá của nhiều công ty chứng khoán, nhu cầu về giáo dục sẽ tăng mạnh trong những năm tới khi quy mô thị trường tăng, nhưng sự bứt phá của cổ phiếu thuộc nhóm giáo dục không dễ xảy ra, nếu có chỉ ở một nhóm nhỏ. Nguyên nhân xuất phát từ tư duy của đa phần doanh nghiệp đều thích sự ổn định, chưa thích ứng với thay đổi mạnh mẽ của xu hướng và công nghệ.

Tin bài liên quan