Tương đối may cho Nhật là các nhà kinh tế do Bloomberg News khảo sát không có cái nhìn nhất quán về vấn đề này. Trong đó, một số người dự đoán khoảng thời gian để Nhật có thể giải quyết vấn đề trước khi điều tồi tệ xảy ra là trên 10 năm.
Tuy nhiên, tỷ lệ chuyên gia có nhận định như vậy là không nhiều, với 7/34 người. Trong khi đó, có 11 nhà phân tích đưa ra quỹ thời gian tối đa là 4 năm, 5 người nói đã quá muộn. Các chuyên gia của BNP Paribas SA và Credit Suisse Group AG là 2 trong số 5 người này.
Tỷ lệ gấp gáp lớn hơn có lẽ sẽ động viên ông Abe, Thủ tướng Nhật, thực hiện kế hoạch tăng thuế doanh thu của mình, với 3 điểm phần trăm thêm trong tháng tới và 2 điểm phần trăm nữa vào năm sau. Việc tăng thuế này là để cải thiện lĩnh vực tài chính của Nhật Bản, nhằm đảm bảo nhu cầu đối với nợ công vẫn còn khi ngân hàng trung ương nước này (BOJ) - người mua nợ công lớn nhất - đạt được mục tiêu lạm phát và cắt giảm gói kích thích.
“Chính phủ nên đưa ra một lộ trình rõ ràng về việc tái cấu trúc tài khóa trước khi mức lạm phát 2% bén rễ”, Yoshimasa Maruyama, Kinh tế trưởng của Itochu Corp nói. “Nếu không làm như vậy, các nhà đầu tư có thể sẽ rút khỏi thị trường”.
Một lộ trình đủ dài sẽ cung cấp cho ông Abe và những người kế nhiệm thời gian để khôi phục tăng trưởng kinh tế trước khi giảm tài trợ cho an sinh xã hội.
Tuy nhiên, các chính sách thắt chặt tài khóa, bao gồm việc tăng thuế doanh thu sắp diễn ra, sẽ là một đòn giáng mạnh vào sự phục hồi tăng trưởng của nước này, theo nhiều nhà kinh tế, trong đó có nhà kinh tế đạt giải Nobel Paul Krugman và Koichi Hamada, một giáo sư đã nghỉ hưu của Đại học Yale (Mỹ), người đang cố vấn cho ông Abe về chính sách tiền tệ.
Đảng đối lập với đảng của ông Abe cũng kêu gọi Chính phủ nên hoãn kế hoạch tăng thuế này và thay bằng việc cắt giảm biên chế hành chính.
Trong số những người ủng hộ chính sách tài khóa của ông Abe có Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ), ông Haruhiko Kuroda. Dĩ nhiên là như vậy, bởi chính sách tăng thuế sẽ hỗ trợ ông Kuroda nhanh chóng đạt được mục tiêu lạm phát của mình, đồng thời tạo thêm dư địa để ông có thể tiếp tục mua nợ chính phủ.
Ông Kuroda nhiều lần nói rằng, còn quá sớm để bàn về việc rút khỏi chiến dịch kích thích tiền tệ, thay vào đó, cần lập tức xử lý những thách thức trong lĩnh vực tài khóa.
Về logic, nếu tăng thu giảm chi, Chính phủ Nhật sẽ giảm được tỷ lệ nợ trên GDP, giúp giảm rủi ro đối với trái phiếu công và nhờ đó giảm được lãi suất phát hành, tức là giảm lãi suất dài hạn trong nền kinh tế.
Nợ công của Nhật sẽ tương đương 242% GDP vào cuối năm 2014, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Chỉ 8% lượng chứng khoán nợ đó được nắm giữ bởi các nhà đầu tư nước ngoài, phản ánh một bể lớn của tiết kiệm trong nước.
Một rủi ro đối với Chính phủ trong những năm tới là tấm đệm tiết kiệm đó sẽ xẹp dần khi thế hệ sinh sau thế chiến II bùng nổ bắt đầu nghỉ hưu hàng loạt với mức đỉnh vào năm 2015, Hidenori Suezawa, nhà phân tích thị trường tài chính và tài khóa của SMBC Nikko Securities Inc. nói.
Cán cân vãng lai của Nhật có thể bước vào giai đoạn thâm hụt liên tục trong thời gian từ 2020 đến 2025, thúc đẩy sự lệ thuộc vào tín dụng nước ngoài và rủi ro tăng lãi suất, Suezawa, thành viên của Hội đồng Hệ thống tài khóa của Chính phủ Nhật, nói.
“Tôi đang quan sát cán cân thanh toán vãng lai một cách cẩn thận và cảm thấy lo ngại về nó”, ông Masahiro Fukuda, Giám đốc đầu tư của Fidelity Worldwide Investment ở Tokyo nói. Ông Fukuda cũng cho biết, thâm hụt có thể xảy ra trong vòng 3 đến 5 năm tới. “Nếu một quốc gia vừa có thâm hụt ngân sách, vừa có thâm hụt cán cân thanh toán, dòng vốn có thể sẽ tháo chạy thực sự và nhanh chóng”.
Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết, ngay cả trong tình huống lạc quan nhất, Chính phủ vẫn sẽ không đạt được mục tiêu cải cách tài khóa trung hạn đặt ra hồi tháng 8 để đạt được thặng dư ngân sách - chưa tính phải trả lãi vay - vào năm 2020.
Bộ này dự đoán, thâm hụt tài khóa cơ bản sẽ là 6.600 tỷ yên vào năm 2020, tương đương 1,1% GDP, so với mức 23.200 tỷ yên thâm hụt năm 2013.
BOJ là người mua chính trái phiếu chính phủ Nhật, khoảng 50.000 tỷ yên mỗi năm, tương đương 27% tổng lượng trái phiếu dự kiến phát hành trong năm tài khóa bắt đầu từ tháng 4 tới.
Lượng mua lớn đó đã giúp hạ thấp chi phí đi vay, với lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ở mức 0,62%/năm, thấp nhất trên thế giới.