Sáng 28/12, phiên tòa xét xử vụ án sai phạm xảy ra tại dự án số hóa hồ sơ doanh nghiệp ở Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội tiếp tục phần xét hỏi.
Trả lời thẩm vấn, bị cáo Nguyễn Đức Chung tiếp tục thừa nhận chỉ có "quan hệ xã hội" với ông chủ Nhật Cường - Bùi Quang Huy.
“Tôi chưa bao giờ đến nhà Huy ăn cơm, cũng chưa biết mặt bố mẹ Huy”, lời ông Chung.
Bị cáo Chung thừa nhận, biết Bùi Quang Huy có chơi với một số VIP, một số người đã về hưu nên dịp Tết năm 2019, bị cáo có nhờ Huy chuyển quà tết cho một số người.
“Qùa là thùng quả ô liu và chai rượu, tôi có nhờ Huy chuyển quà cho gần chục người, nhờ Huy đưa hộ thôi vì tôi quá bận”, bị cáo Chung khai nhận.
Theo cáo trạng, dù gói thầu số hóa năm 2016 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội làm chủ đầu tư và người có thẩm quyền đối với gói thầu là Giám đốc Sở, nhưng bị cáo Nguyễn Đức Chung chỉ đạo dừng thầu trái quy định.
Bị cáo Chung còn yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội lựa chọn công nghệ số hóa cơ sở dữ liệu doanh nghiệp đảm bảo tích hợp với hệ thống dùng chung của Thành phố, trong khi tới thời điểm hiện nay Hà Nội chưa hình thành cơ sở hệ thống dữ liệu dùng chung và cho Công ty Nhật Cường thí điểm số hóa để cho Công ty Nhật Cường tham gia đấu thầu và trúng thầu.
Đồng thời, Công ty Minh Hoa (do vợ ông Chung làm Giám đốc) ký kết hợp đồng kinh tế với Công ty Nhật Cường (có cơ sở xác định là hợp đồng khống) để liên danh Nhật Cường - Đông Kinh hợp thức hóa hồ sơ năng lực để dự thầu và trúng thầu.
Sau khi trúng 2 gói thầu, Công ty Nhật Cường đã chuyển nhượng toàn bộ hợp đồng cho Công ty Đông Kinh, hưởng lợi 19 tỷ đồng, còn Nhà nước bị thiệt hại hơn 26 tỷ đồng.
Dẫn giải các bị cáo đến tòa. |
Theo lời khai, bị cáo Chung chỉ biết vợ mình ký kết hợp đồng với Công ty Nhật Cường khi vào thời điểm tháng 5/2019 có người đăng trên Facebook.
Bị cáo nói: “Bùi Quang Huy có làm cho vợ tôi phần mềm quản lý bán hàng. Cuối năm 2016, Công ty Minh Hoa yêu cầu thanh lý hợp đồng. Theo tôi hiểu, lúc đó vợ tôi mới biết Huy dùng hợp đồng này để dùng cho việc đấu thầu”.
“Nhật Cường từng ngồi ngang hàng với các doanh nghiệp lớn”
Trước đó, bị cáo Nguyễn Văn Tứ - cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, vào thời điểm năm 2015, Công ty Nhật Cường rất uy tín và được thành phố giao cho hàng loạt dự án, ngồi ngang hàng với các doanh nghiệp lớn như FPT…
“Tôi có nhận thức Nhật Cường là doanh nghiệp uy tín và tốt, không phải buôn lậu, bán thầu này kia. Nếu biết rõ Nhật Cường bán thầu, trục lợi chắc chắn chúng tôi không làm”, bị cáo Tứ khai.
Còn lời khai của bị cáo Lê Duy Tuấn - cựu Giám đốc kinh doanh Công ty Đông Kinh - liên danh với Nhật Cường thể hiện thực hiện mọi việc theo yêu cầu của Bùi Quang Huy. Bị cáo giao cho nhân viên công ty mua hồ sơ của công ty làm “quân xanh”. Bị cáo là người chuẩn bị hồ sơ, nộp hồ sơ.
“Trước khi hai bên thỏa thuận, ông Huy chưa nói gì về việc Công ty Đông Kinh làm 100% khối lượng công việc. Sau khi ký hợp đồng 3 bên (giữa Công ty Đông Kinh - Sở Kế hoạch và Đầu tư - Công ty Nhật Cường) thì Huy nói Công ty Đông Kinh làm 100% công việc”, bị cáo Tuấn khai.
Bị cáo Tuấn thừa nhận việc ký hợp đồng chuyển nhượng không đúng với thỏa thuận liên danh, không thông báo với chủ đầu tư. Tuy nhiên, việc này là tốt vì Công ty Đông Kinh chuyên làm số hóa tài liệu. Nếu Đông Kinh làm 100% sẽ tốt hơn vì Nhật Cường chưa có kinh nghiệm.
Tranh cãi thiệt hại hơn 26 tỷ đồng
Cáo trạng xác định, hành vi can thiệp thầu, thông thầu của các bị cáo gây thiệt hại cho nhà nước hơn 26 tỷ đồng.
Bị cáo Nguyễn Đức Chung khai báo, việc dừng gói thầu không gây thiệt hại gì cho Nhà nước, nhưng nếu mở thầu vào thời điểm đó sẽ gây thiệt hại. Ngoài ra, việc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho doanh nghiệp vào làm thí điểm công nghệ mới miễn phí không có gì vi phạm và việc giới thiệu công nghệ mới trong mọi lĩnh vực ở TP Hà Nội diễn ra thường xuyên, không có gì trái pháp luật, không gây thiệt hại mà còn có lợi cho Nhà nước.
Bị cáo Nguyễn Văn Tứ khẳng định, hành vi của mình có thể không đúng quy định pháp luật nhưng nó không có quan hệ nhân quả về thiệt hại như cáo trạng nêu.