Cụ thể, hợp đồng trị giá 338.205.423 USD có thời gian cho vay trong 17 năm là khoản vay tín dụng xuất khẩu Nhật Bản có bảo lãnh của Chính phủ Việt Nam để tài trợ một phần cho nhu cầu vốn của dự án. Trong đó phần vốn vay từ JBIC là: 202.923.253 USD với lãi suất 3,12%/năm, và phần vốn vay từ ngân hàng Bank of Tokyo Mitsubishi UFJ (BTMU) trị giá 135.282.170 USD được bảo hiểm bởi tổ chức bảo hiểm tín dụng xuất khẩu Nhật Bản (Nippon Export and Investment Insurance – NEXI) với lãi suất LIBOR + 1,2%/năm.
Theo Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh, khoản tín dụng này sẽ góp phần giúp EVN đẩy nhanh tiến độ dự án, hoàn thành mục tiêu đầu tư xây dựng nguồn điện theo quy hoạch điện VII mà Chính phủ giao.
Ông Thanh khẳng định EVN cam kết sẽ sử dụng đúng mục đích, hiệu quả nguồn vốn vay này, đồng thời mong muốn Chính phủ và các Ngân hàng, tổ chức tín dụng Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ EVN trong các dự án điện lớn khác một cách có hiệu quả.
Dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 do Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO 3) làm chủ đầu tư có quy mô công suất khoảng 1200 MW gồm 2 tổ máy 600 MW nằm trong Trung tâm điện lực Vĩnh Tân bao gồm 4 nhà máy nhiệt điện với tổng quy mô công suất lên đến 5.600 MW, tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, cách thành phố Phan Thiết 100km, cách thành phố Hồ Chí Minh 250km về phía Nam, và cách tỉnh Ninh Thuận 15km về phía Bắc.
Đây là Trung tâm nhiệt điện than lớn nhất cả nước, khi xây dựng xong sẽ đáp ứng điện năng trực tiếp cho khu vực Nam Trung Bộ và các tỉnh thành phía Nam.
Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 1,763 tỷ USD (tương đương 36,7 nghìn tỷ VN đồng), hàng năm cung cấp cho hệ thống điện khoảng 7,2 tỷ kWh. Nhà máy sử dụng nhiên liệu than nhập khẩu, sử dụng công nghệ nhiệt điện ngưng hơi truyền thống, lò hơi thông số trên tới hạn đốt than nhập khẩu, đây là công nghệ hiện đại, công suất, hiệu suất cao, chi phí hợp lý và đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo các tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế. Hợp đồng EPC đã được ký kết với tổ hợp nhà thầu Nhật Bản – Hàn Quốc - Việt Nam.
Nhà máy đã được khởi công vào ngày 9/3/2014, và dự kiến tổ máy đầu tiên sẽ được đưa vào vận hành sau 46 tháng lắp đặt, xây dựng (cuối quý 4/2017), tổ máy thứ 2 sau tổ máy thứ nhất khoảng 6 tháng (dự kiến cuối quý 3/2018).
Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ tăng cường năng lực cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực Nam Trung bộ, qua đó góp phần giảm sự phụ thuộc của hệ thống điện vào nguồn thủy điện, đặc biệt vào mùa khô và các năm cạn kiệt, giảm sản lượng điện phải truyền tải từ Bắc vào Nam, giảm tổn thất điện năng, tăng tính an toàn, ổn định, kinh tế cho vận hành hệ thống điện.