Nhật Bản tăng trưởng âm trong quý I do ảnh hưởng từ đại dịch

Nhật Bản tăng trưởng âm trong quý I do ảnh hưởng từ đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nền kinh tế Nhật Bản đã suy thoái hơn dự kiến ​​trong quý I/2021 do việc triển khai vắc xin chậm và tình trạng lây nhiễm Covid-19 mới làm ảnh hưởng đến chi tiêu cho các mặt hàng như ăn uống và quần áo.

Điều này làm dấy lên lo ngại nước này sẽ tụt hậu so với những quốc gia khác đang hồi phục sau đại dịch.

Chi tiêu vốn cũng giảm mạnh và tăng trưởng xuất khẩu chậm lại, một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm động lực để thoát ra khỏi tình trạng ảm đạm.

Một số nhà phân tích nhận định, tình trạng hạn chế kéo dài đã làm tăng nguy cơ Nhật Bản có thể tiếp tục thu hẹp trở lại trong quý II và rơi vào suy thoái trở lại.

Yoshimasa Maruyama, nhà kinh tế trưởng thị trường tại SMBC Nikko Securities cho biết: “Tình trạng thiếu chip trên toàn cầu khiến xuất khẩu chậm lại rõ rệt kéo theo cả chi tiêu vốn. Tiêu thụ có thể sẽ vẫn trì trệ, làm tăng nguy cơ suy giảm kinh tế trong quý hiện tại”.

Theo dữ liệu của chính phủ Nhật cho thấy hôm thứ Ba (18/5), tăng trưởng GDP quý I của Nhật Bản là âm 5,1%, giảm mạnh hơn mức dự báo trước đó chỉ giảm 4,6% sau mức tăng 11,6% trong quý IV/2020.

Sự sụt giảm chủ yếu là do tiêu dùng tư nhân giảm 1,4% do các biện pháp hạn chế khẩn cấp để chống lại đại dịch.

Takeshi Minami, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Norinchukin cho biết: “Nhu cầu trong nước sụt giảm cho thấy những tác động bất lợi từ Covid-19 vẫn chưa giảm bớt”.

Dữ liệu cho thấy, bất chấp các biện pháp kích thích tiền tệ và tài khóa lớn, nền kinh tế Nhật Bản đã sụt giảm kỷ lục 4,6% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2021 (niên độ kế toán 1/4/2020 - 31/3/2021).

Các nhà phân tích tại ING viết trong một báo cáo nghiên cứu: "Chính sách tài khóa nhằm hỗ trợ nền kinh tế nhưng rất khó để thấy điều này có nhiều tác động, còn Ngân hàng Trung ương Nhật Bản hiện tại dường như không có các ý tưởng kích thích chính sách mới, vì vậy chúng tôi không dự đoán bất kỳ điều gì mới từ chúng ngoài việc mở rộng các biện pháp hiện có”.

Bộ trưởng Kinh tế Yasutoshi Nishimura đổ lỗi cho việc chỉ số GDP yếu chủ yếu là do các biện pháp hạn chế để chống lại đại dịch, đồng thời nói thêm rằng nền kinh tế vẫn còn "tiềm năng" để phục hồi.

“Chi tiêu cho dịch vụ thực sự có thể sẽ vẫn chịu áp lực trong tháng 4 đến tháng 6. Nhưng xuất khẩu và sản lượng sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi tăng trưởng ở nước ngoài”, ông nói với các phóng viên.

Nền kinh tế Nhật Bản đã tăng trưởng trong hai quý liên tiếp sau đợt lao dốc tồi tệ nhất sau chiến tranh vào tháng 4 đến tháng 6 năm ngoái do ảnh hưởng ban đầu từ đại dịch.

Sự phục hồi dựa vào xuất khẩu đã đi vào bế tắc khi tiêu thụ bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng đột biến của các chủng virus mới buộc chính phủ Nhật Bản phải áp đặt lại các biện pháp hạn chế chỉ 10 tuần trước Thế vận hội Olympic Tokyo.

Tin bài liên quan