Nhật Bản sắp có đợt can thiệp để vực dậy tỷ giá của đồng Yên

Nhật Bản sắp có đợt can thiệp để vực dậy tỷ giá của đồng Yên

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) có thể sắp có một đợt can thiệp quy mô lớn để vực dậy tỷ giá trong bối cảnh quốc gia này đang kiên định với chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo trong một thế giới của lạm phát cao và lãi suất cao.

Dự báo trên được một số chuyên gia quan sát thị trường đưa ra trong bối cảnh đồng yên Nhật đang mất giá mạnh thời gian gần đây.

Đồng nội tệ của Nhật Bản đang trượt giá về ngưỡng đã khiến giới chức nước này có đợt can thiệp vào thị trường ngoại hối lần gần đây nhất. Tỷ giá đồng Yên so với USD đang ở rất gần mức 140 Yên đổi 1 USD, sau khi mốc này đã bị phá vỡ vào cuối tháng 5 lần đầu tiên kể từ tháng 11/2022.

Năm 2022, Bộ Tài chính Nhật Bản đã bơm tổng cộng khoảng 68 tỷ USD vào thị trường tài chính để hỗ trợ tỷ giá đồng Yên khi đồng Yên giảm giá tới mức 150 Yên mới đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ thập niên 1990. Các cuộc can thiệp này thường không được công bố và bao gồm việc BOJ hút một lượng lớn Yên Nhật khỏi hệ thống bằng cách bán ra USD từ dự trữ ngoại hối.

Bà Joey Chew, trưởng bộ phận ngoại hối châu Á của ngân hàng HSBC cho biết, biến động tỷ giá đồng Yên gần đây sẽ làm dấy lên câu hỏi về việc liệu Nhật Bản có can thiệp để bảo vệ đồng nội tệ hay không.

"Khi tỷ giá giữa Yên Nhật và USD phá mốc 140 Yên đổi 1 USD (do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cao hơn), chúng tôi cho rằng sẽ sớm có những câu hỏi về việc liệu Bộ Tài chính Nhật Bản có ra tay hay không. Tuy nhiên, xét tới những phát biểu gần đây của Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki, có vẻ như các nhà chức trách sẽ không sớm đưa ra những hành động can thiệp", bà Chew nói và cho biết thêm, những ngôn từ được sử dụng không có vẻ cứng rắn như so với thời điểm tháng 9/2022, khi có sự can thiệp vào thị trường.

Tờ báo Nikkei cho biết: Tuần trước, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Masato Kanda nói rằng Chính phủ sẽ vào cuộc trong trường hợp cần thiết vì đồng Yên đang giảm giá sâu hơn. Tuyên bố này của ông Kanda được đưa ra sau một cuộc họp bất thường của các quan chức Bộ Tài chính Nhật.

Bà Chew đã viết trong báo cáo rằng: Chúng tôi sẽ chờ những từ ngữ như cảm giác cấp bách, quá mức, phiến diện, sẵn sàng hành động, đến từ những quan chức như ông Kanda, hoặc thậm chí là Thủ tướng Fumio Kishida.

Lần này, các quan chức Chính phủ Nhật Bản có thể can thiệp một khi đồng Yên giảm về mức 145 Yên đổi 1 USD.

Cũng theo bà Chew, trước đợt can thiệp hồi tháng 9, tỷ giá đồng Yên so với USD biến động khoảng 6-8% mỗi tháng. Biến động gần đây của tỷ giá này là 4-5% mỗi tháng. Để mức biến động hàng tháng vượt 6%, tỷ giá đồng Yên so với USD cần giảm đến mức 145 Yên đổi 1 USD.

Các chuyên gia kinh tế của ngân hàng Goldman Sachs cho rằng, nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất, đồng Yên sẽ giảm giá sâu hơn nữa.

Theo Goldman Sachs, nếu thị trường tiếp tục tin vào triển vọng tăng trưởng kinh tế tốt hơn ở Mỹ và kỳ vọng Fed còn giữ lập trường cứng rắn, thì đồng Yên sẽ tiếp tục suy yếu. Chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Nhật là nhân tố lý giải cho phần lớn sự mất giá gần đây của đồng Yên. Chừng nào BOJ còn duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo với lãi suất âm, chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản sẽ tiếp tục tồn tại.

"Chúng tôi nhận thấy khả năng đồng Yên thậm chí còn mất giá nữa nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất hoặc BOJ giữ nguyên chính sách hiện nay trong thời gian lâu hơn dự kiến. Cả hai khả năng này hiện đều đang cao hơn so với khả năng kinh tế Mỹ suy thoái", chuyên gia của Goldman Sachs cho biết.

Cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo của BOJ sẽ diễn ra vào ngày 15-16/6. Cuộc họp của Fed sẽ diễn ra vào ngày 13-14/6. Các nhà đầu tư toàn cầu thường rót tiền vào đồng tiền của một quốc gia mà ngân hàng trung ương nước đó tăng lãi suất với hy vọng sẽ nhận được lợi tức cao hơn. Ngược lại, họ sẽ quay lưng với những đồng tiền có lãi suất thấp, như đồng Yên Nhật hiện nay.

Tin bài liên quan