Theo Thứ trưởng Đào Quang Thu, Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và tìm kiếm nguồn lực cho mục tiêu tăng trưởng nhanh từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước thông qua những cơ chế, quy định phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như hoàn cảnh cụ thể. Trong đó có việc xây dựng cơ chế hợp tác PPP. Ông Thu cho biết, hiện nay, Bộ Kế hoạch Đầu tư đang hoàn thiện lần cuối nội dung Nghị định về PPP, sẽ trình Chính phủ ban hành trong tháng tới.
Cũng theo Thứ trưởng, Nhật Bản hiện là đối tác thương mại cũng như nhà đầu tư hàng đầu của Việt Nam với tiềm năng hợp tác, nhất là về đầu tư còn rất lớn. Với nhận thức đó, Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản luôn chủ động thúc đẩy quan hệ kinh tế và nhất trí đưa kết quả hợp tác lên tầm cao mới, nhất là sau khi hai nước trở thành đối tác kinh tế chiến lược của nhau.
Về phần mình, ông Hiroshi Watanabe cho biết, DN Nhật Bản đặt niềm tin vào tương lai kinh tế Việt Nam và mong muốn tìm cơ hội triển khai dự án đầu tư vào Việt Nam; trong đó có hình thức PPP.
Ông Hiroshi Watanabe cho biết, hiện nay, các tập đoàn kinh tế Nhật Bản rất quan tâm đến các dự án điện than BOT ở Việt Nam và đang trong quá trình đàm phán để đầu tư vào một số dự án nhiệt điện như Nghi Sơn 2, Vũng Áng 2 và Vân Phong 1.
“Đây là những dự án khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển năng lượng ở Việt Nam cũng như nhu cầu đầu tư của DN, do đó JBIC có thể xem xét khả năng tài trợ vốn cho chủ đầu tư”, ông Watanabe khẳng định.
Cũng theo ông Hiroshi Watanabe, JBIC có nhiều kinh nghiệm tài trợ cho dự án theo hình thức PPP tại một số quốc gia và có thể chia sẻ với cơ quan chức năng Việt Nam nhằm đẩy nhanh tốc độ xây dựng quy định, thực hiện các dự án PPP ở Việt Nam. Tuy nhiên, ông Hiroshi Watanabe cũng bày tỏ, nhà đầu tư Nhật Bản mong muốn được tạo điều kiện thuận lợi, nhất là đơn giản hóa thủ tục…
Vị đại diện JBIC cũng lưu ý các nhà làm chính sách của Việt Nam, trong đầu tư PPP cần quan tâm việc tạo ra môi trường ổn định để thu hút nhà đầu tư song song với khả năng sinh lời của dự án.