Lần đầu tiên trong lịch sử, Chính phủ Nhật Bản đang chuẩn bị nới lỏng các quy tắc về việc tiếp cận các kho dự trữ gạo chiến lược, với kế hoạch giải phóng một số kho dự trữ gạo dành cho mục đích khẩn cấp để ứng phó với giá gạo trong nước kỷ lục.
Động thái này là một phần trong nỗ lực nhằm kiềm chế giá gạo tăng cao, vốn đã góp phần gây ra lạm phát nói chung và xoa dịu nỗi lo thiếu hụt gạo của người tiêu dùng.
Kho dự trữ gạo từng được thành lập cách đây ba thập kỷ để bảo vệ trước nguy cơ mất mùa hoặc thiên tai. Lần cuối cùng chúng được sử dụng là sau trận sóng thần năm 2011 và cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima.
Nhưng giá gạo tăng cao đã làm dấy lên mối lo ngại về tình trạng thiếu hụt. Theo số liệu của Chính phủ Nhật Bản, giá gạo trong nước trung bình của nước này đã đạt mức kỷ lục là 23.715 yên (153 USD) cho một bao 60kg trong năm ngoái, cao hơn khoảng 55% so với mức trung bình của năm 2023.
Mùa hè năm ngoái, người tiêu dùng Nhật Bản đã bị sốc trước tình trạng thiếu hụt gạo tồi tệ nhất kể từ năm 1995, do vụ thu hoạch yếu kém vào năm 2023, tình trạng mua hàng hoảng loạn của các nhà hàng và hộ gia đình và chính sách trợ cấp nông trại khuyến khích nông dân để đất hoang.
Hôm thứ Sáu (31/1), Bộ Nông nghiệp Nhật Bản đã nhất trí về nguyên tắc sẽ thêm một điều khoản vào hướng dẫn cho phép khai thác dự trữ "khi việc phân phối gạo chính bị cản trở và khi Bộ thấy cần thiết".
Taku Eto, Bộ trưởng Nông nghiệp cho biết, mặc dù có đủ gạo trong hệ thống, nhưng nguồn cung không đến được thị trường, khiến ông nghi ngờ rằng gạo "mắc kẹt ở đâu đó".
Các chuyên gia về thị trường gạo nghi ngờ những người bán buôn đang giữ lại gạo để tận dụng giá tăng và thời kỳ hậu giảm phát, khi việc chuyển chi phí cho người tiêu dùng cuối cùng trở nên dễ dàng hơn.
Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã quyết định tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 17 năm, đồng thời triển vọng của ngân hàng trung ương đã nhiều lần đề cập đến giá gạo khi điều chỉnh tăng dự báo về lạm phát giá tiêu dùng.
7-Eleven - chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất Nhật Bản - cho biết trong tuần này rằng họ đã "không thể tránh khỏi" tăng giá 37 sản phẩm làm từ gạo, bao gồm mức tăng 20% đối với cơm nắm onigiri được nhiều người tiêu dùng Nhật Bản ưa chuộng như một lựa chọn ăn trưa giá rẻ.
Tuy nhiên, việc bù đắp giá gạo trong nước là rất khó khăn. Không giống như hầu hết thực phẩm khác, Nhật Bản tự cung tự cấp gạo và đã hạn chế chặt chẽ nhập khẩu để hỗ trợ giá trong nước. Chính sách nông nghiệp cũng đã khuyến khích hạn chế sản xuất trong nước như một phương tiện để duy trì giá ở mức giúp nông dân tiếp tục kinh doanh.
Nhật Bản áp dụng mức thuế cao hơn đối với hàng nhập khẩu vượt quá giới hạn 100.000 tấn và giá trong nước cao của nước này trái ngược hoàn toàn với các quốc gia khác.
Mặt khác, giá gạo trắng của Thái Lan gần đây đã đạt mức thấp nhất kể từ đầu năm 2023. Quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là Ấn Độ cũng đã dỡ bỏ các hạn chế đối với các lô hàng vào năm ngoái. Điều đó có lợi cho nguồn cung toàn cầu và Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo lượng dự trữ gạo trên thế giới sẽ tăng lần đầu tiên sau bốn mùa vụ.