Đồng yên trượt giá 0,3% xuống mức 151,97 JPY đổi 1 USD trong giao dịch ngày 27/3 tại Tokyo. Ảnh: AFP

Đồng yên trượt giá 0,3% xuống mức 151,97 JPY đổi 1 USD trong giao dịch ngày 27/3 tại Tokyo. Ảnh: AFP

Nhật Bản họp khẩn sau khi đồng yên rớt giá xuống mức thấp nhất 34 năm

0:00 / 0:00
0:00
Ba cơ quan tài chính hàng đầu Nhật Bản đã họp khẩn để thảo luận việc sẵn sàng can thiệp thị trường nhằm ngăn chặn các động thái đầu cơ và những hỗn loạn tiền tệ.

Cuộc họp khẩn diễn ra vào ngày 27/3 sau khi đồng yên Nhật đã trượt giá xuống mức thấp nhất so với đồng đô la Mỹ trong 34 năm. Tham dự cuộc họp có ông Masato Kanda - Thứ trưởng phụ trách các vấn đề quốc tế của Bộ Tài chính Nhật Bản, ông Teruhisa Kurita - Ủy viên Cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật Bản và ông Seiichi Shimizu - Giám đốc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ).

Đồng yên đã trượt giá 0,3% xuống mức 151,97 JPY đổi 1 USD trong giao dịch ngày 27/3 tại Tokyo, vượt qua mốc 151,95 JPY đổi 1 USD - thời điểm mà Nhật Bản kích hoạt biện pháp can thiệp tiền tệ trực tiếp vào tháng 10/2022.

Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki cho biết chính phủ Nhật Bản sẽ thực hiện các biện pháp mạnh mẽ chống lại những biến động tiền tệ quá mức mà không loại trừ bất kỳ phương án nào. Việc đề cập đến hành động mạnh mẽ thường được hiểu là can thiệp trực tiếp vào thị trường tiền tệ, theo Bloomberg.

Theo Bộ trưởng Suzuki, đồng yên suy yếu gây ra cả tác động tích cực lẫn tiêu cực đến nền kinh tế Nhật Bản nhưng biến động quá mức làm tăng sự không chắc chắn cho hoạt động kinh doanh. Điều này có thể gây tổn hại cho nền kinh tế, củng cố sự tập trung của Tokyo vào mức độ biến động của thị trường, thay vì vào các mức tiền tệ cụ thể.

"Biến động tiền tệ nhanh chóng là điều không mong muốn", Bộ trưởng Suzuki nói với báo giới sau cuộc họp. "Điều quan trọng là tiền tệ phải di chuyển ổn định, phản ánh các nguyên tắc cơ bản về kinh tế", ông nói thêm.

Việc bán tháo đồng yên diễn ra nhanh chóng sau quyết định mang tính bước ngoặt của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vào tuần trước nhằm chấm dứt 8 năm áp dụng chính sách lãi suất âm, mở ra một kỷ nguyên mới về chính sách tiền tệ thắt chặt hơn tại quốc gia nơi mà tiền rẻ là tiêu chuẩn thập kỷ qua.

Tuy nhiên, lần tăng lãi suất đầu tiên ở Nhật Bản kể từ năm 2017 đã được thông báo rõ ràng tới các thị trường, khiến đồng yên trượt giá theo kiểu truyền thống "bán theo sự thật". Điều quan trọng là xu hướng trượt giá đồng yên đã khiến giới giao dịch kỳ vọng rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ chỉ tăng lãi suất nhẹ trong những tháng tới, có nghĩa là chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ sẽ còn rõ rệt trong một thời gian nữa.

Đồng yên yếu có lợi cho các nhà xuất khẩu Nhật Bản, nhưng làm tăng chi phí nhập khẩu và bóp nghẹt tài sản của các hộ gia đình. Các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản đặc biệt nhạy cảm với các yếu tố đe dọa đến tiêu dùng trong nước, bởi điều này sẽ tổn hại đến nỗ lực nhiều năm qua nhằm tạo ra một chu kỳ tích cực về giá cả và tăng trưởng kinh tế do nhu cầu dẫn dắt.

Ông Rodrigo Catril, nhà chiến lược ngoại hối cấp cao tại Ngân hàng Quốc gia Australia (Sydney), cho rằng: "Với lịch sử diễn biến gần đây, việc vượt qua mốc 152 có thể dẫn đến hành động can thiệp (của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản - JPY)". "Việc phá vỡ mức cao trước đó đã đẩy nhanh xu hướng này", ông Catril nói về tỷ giá USD/JPY.

Trên thực tế, các nhà chức trách Nhật Bản đã chi 9,2 nghìn tỷ yên (tương đương 60,6 tỷ USD) trong năm 2022 để hỗ trợ đồng yên trong 3 lần, sau một đợt trượt giá so với đồng đô la Mỹ và có thời điểm lên tới mức 151,95 JPY đổi 1 USD. Việc mua đồng yên là hành động can thiệp thị trường đầu tiên của Nhật Bản để hỗ trợ đồng tiền nước này kể từ năm 1998.

Ông Naoki Tamura, thành viên "diều hâu" nhất của hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, đã có bình luận đáng chú ý vào ngày 27/3 rằng ông ủng hộ một quá trình dần dần hướng tới bình thường hóa chính sách, nhưng cũng không loại trừ khả năng tăng lãi suất.

Tin bài liên quan