Toshiba vẫn đang chật vật bán mảng chip để tồn tại. Ảnh:AFP

Toshiba vẫn đang chật vật bán mảng chip để tồn tại. Ảnh:AFP

Nhật Bản có đang dẫm vào vết xe đổ?

Toshiba muốn bán mảng chip cho một quỹ quốc doanh, khiến giới phân tích lo sự can thiệp của Chính phủ, như thường lệ, khó kéo họ khỏi vũng lầy.

Rất nhiều tin tức kinh tế về Nhật Bản những ngày gần đây là tin tốt. Tăng trưởng tăng tốc. Thất nghiệp gần như không tồn tại. Họ thậm chí có vẻ còn đang giải quyết được nhiều vấn đề dài hạn. Chính phủ Nhật Bản đang dần từ bỏ quan điểm bảo hộ và sắp chốt một hiệp định thương mại tự do lớn với Liên minh châu Âu.

Tuy nhiên, cũng có nhiều dấu hiệu cho thấy Chính phủ và lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản vẫn chưa học được nhiều từ 25 năm kinh tế đi xuống. Ví dụ mới nhất là việc Toshiba bán mảng chip nhớ. Tuần trước, tập đoàn này thông báo ưu tiên lời chào mua từ một nhóm có quỹ đầu tư quốc doanh - INCJ và một ngân hàng phát triển quốc doanh. Nếu việc này được tiến hành, thương vụ sẽ giúp Chính phủ Nhật Bản đóng vai trò lớn trong mảng chip của Toshiba.

Trong suốt thời kỳ thịnh vượng nhất của Nhật Bản, giới chức nước này luôn cố hỗ trợ tăng trưởng bằng cách lái nguồn tài chính vào các ngành được ưu tiên, bảo vệ các doanh nghiệp mới và yêu cầu các công ty tư nhân làm việc vì lợi ích quốc gia. Việc này đã đóng góp phần nào vào tốc độ tăng trưởng nhanh sau chiến tranh của Nhật Bản. Tuy nhiên, khi họ trở thành nền kinh tế phát triển, nó lại là rào cản.

Sự can thiệp liên tục vào nền kinh tế đã khiến nguồn lực tài chính bị phân bổ không hợp lý, khiến các công ty đang ngắc ngoải, hoạt động kém hiệu quả vẫn được duy trì và kéo tụt tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế. Các chuyên gia nước này cho rằng chế độ quản lý đó cần bị loại bỏ để nền kinh tế được cải thiện.

*Toshiba muốn bán mảng chip nhớ

Tuy nhiên, thương vụ Toshiba lại một lần nữa quay về hướng đi này. Giới quan sát đang đặt câu hỏi vì sao Chính phủ Nhật Bản muốn tham gia vào việc mua bán này, do Toshiba cũng nhận được nhiều lời chào mua từ các công ty tư nhân tên tuổi khác. Họ có thể là những lựa chọn tốt hơn với tương lai của mảng này.

Ý định của giới chức là giữ công nghệ sản xuất chip trong tay người Nhật và duy trì việc làm. Tuy nhiên, với việc tỷ lệ thấp nghiệp chỉ khoảng 2,8% - thấp nhất hơn hai thập kỷ, việc này khó có thể là mối lo ngại. Một lần nữa, giới chức Nhật Bản dường như lại theo đuổi chủ nghĩa dân tộc hơn là lợi ích thương mại. Việc này được đánh giá có thể không phải nước đi đúng đắn nhất với mảng chip, với Toshiba hoặc cả nền kinh tế nói chung.

Trước đây, họ nhiều lần ra quyết định như vậy. Năm 2012, chính quỹ INCJ đã lập ra công ty Japan Display bằng cách sáp nhập mảng màn hình đang gặp khó của ba đại gia điện tử Nhật Bản - Sony, Toshiba và Hitachi. Đến nay, họ vẫn là cổ đông lớn nhất của công ty này.

Họ muốn giữ thế cạnh tranh của Nhật Bản trong ngành sản xuất màn hình LCD. Tuy nhiên, Japan Display vẫn thua lỗ và chật vật trong cuộc cạnh tranh với các đối thủ nặng ký, như Samsung. INCJ không có ý định bỏ mặc, và tháng 12 năm ngoái đã đồng ý cứu trợ 640 triệu USD cho công ty này.

Câu chuyện của Sharp - một đại gia điện tử Nhật Bản khác thì lại hoàn toàn trái ngược. Khi Sharp gặp khó, INCJ một lần nữa nhảy vào muốn giải cứu. Nhưng lần đó, họ đã thất bại. Ban lãnh đạo của Sharp đã gây chấn động cả nước năm ngoái, khi đồng ý lời chào mua từ Foxconn (Đài Loan, Trung Quốc) - hãng chuyên lắp ráp iPhone cho Apple. Foxconn đã giảm chi phí, cắt bớt dây chuyền sản xuất. Năm tài chính 2016, khoản lỗ của Sharp đã co lại đáng kể.

nhat-ban-co-dang-dam-vao-vet-xe-do-1

TV Sharp được bày bán tại một cửa hàng điện tử ở Đài Loan (Trung Quốc). Ảnh:EPA

Vấn đề ở đây không phải là lãnh đạo Nhật Bản không tốt bằng người nước ngoài. Các CEO nước này cũng có năng lực ra quyết định táo bạo và hồi sinh các công ty gặp rắc rối, như trường hợp của Panasonic. Tuy nhiên, các quyết định doanh nghiệp như vậy tốt nhất nên để cho thị trường và lĩnh vực tư nhân.

Trên Bloomberg, tác giả Michael Schuman cho rằng sự hiện diện của Chính phủ đang làm ảnh hưởng đến triển vọng của các công ty Nhật Bản. Việc họ không sẵn sàng để thị trường tham gia là một trong những yếu tố khiến tăng trưởng Nhật Bản ì ạch suốt thời gian qua. Khi buộc nền kinh tế vào các quy định điều tiết, và trách nhiệm bảo vệ các công ty lâu đời, Chính phủ đã kìm hãm sự phát triển của các doanh nghiệp mới năng suất hơn. Đó là lý do hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp tại Nhật Bản khá thấp so với hầu hết các nền kinh tế khác.

Nhật Bản vẫn đang phải trả giá cho việc này suốt hơn 20 năm qua. Tuy nhiên, Schuman hy vọng động thái với Toshiba chỉ là một sai lầm cá biệt, chứ không phải dấu mốc cho bước ngoặt của cả nền kinh tế.

Tin bài liên quan