Nhật Bản chính thức loại bỏ lãi suất âm

Nhật Bản chính thức loại bỏ lãi suất âm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lần đầu tiên sau 17 năm, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã trở thành cơ quan tiền tệ lớn cuối cùng từ bỏ chính sách lãi suất âm.

Hôm thứ Ba (19/3), BOJ đã tiến hành một cuộc cải tổ chính sách sâu rộng, loại bỏ các chương trình kiểm soát lãi suất âm, đường cong lợi suất cũng như mua các quỹ ETF và các tài sản rủi ro khác.

Sau cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, BOJ đã quyết định tăng lãi suất cho vay qua đêm lên phạm vi 0% - 0,1%, tăng nhẹ so với mức âm 0,1% - 0%. Chế độ lãi suất âm lần đầu tiên được thực hiện tại Nhật Bản vào năm 2016.

BOJ đang đặt cược rằng nền kinh tế Nhật Bản đang nổi lên sau thời kỳ giảm phát kéo dài và cuối cùng đang trên đường đạt tới mức tăng trưởng tự duy trì. Các chính sách của BOJ trái ngược với các ngân hàng trung ương khác, vốn đã tăng lãi suất mạnh trong hai năm qua để chống lạm phát do đại dịch Covid, xung đột Nga-Ukraine và các vấn đề về chuỗi cung ứng.

Chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng của BOJ đã góp phần khiến đồng yên trượt giá nhanh chóng, gây ảnh hưởng nặng nề đến các hộ gia đình, khiến nước này chịu áp lực ngày càng tăng trong việc thực hiện các bước nhằm giảm thiểu lạm phát.

Ngoài ra, BOJ đã chấm dứt chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (YCC) nhằm giữ lãi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản (JGB) kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0%. Việc mua tài sản rủi ro cũng sẽ bị hạn chế. BOJ sẽ không còn mua các quỹ ETF và quỹ tín thác đầu tư bất động sản Nhật Bản (J-REITs). BOJ đã mua tổng cộng 37.000 tỷ yên (248 tỷ USD) quỹ ETF và 650 tỷ yên J-REIT kể từ năm 2010.

Các động thái này dự kiến sẽ hồi sinh thị trường trái phiếu và tiền tệ bằng cách cho phép chúng hoạt động tự do hơn.

Tuy nhiên, BOJ sẽ tiếp tục mua JGB, đây là động thái cho thấy BOJ sẽ duy trì các điều kiện chính sách tiền tệ nới lỏng. Trước đây, ngân hàng trung ương cho biết họ sẽ mua JGB không giới hạn.

Cuộc cải tổ chính sách của BOJ diễn ra sau khi các nhà tuyển dụng lớn nhất quốc gia đồng ý tăng lương 5,28% với các liên đoàn lao động lớn trong tháng này, đánh dấu mức tăng lương lớn nhất trong 33 năm. Trong nhiều năm, cả công ty và công đoàn đều tránh tăng lương quá mạnh vì sợ làm tổn hại đến khả năng cạnh tranh của công ty. Tăng trưởng tiền lương thấp thường bị cho là nguyên nhân khiến tiêu dùng tư nhân trì trệ.

Thống đốc BOJ Kazuo Ueda đã nhiều lần cho biết kết quả của cuộc đàm phán tiền lương hàng năm năm nay sẽ là chìa khóa để tăng giá bền vững. BOJ đang kỳ vọng mức lương cao hơn sẽ dẫn đến một vòng xoáy đạo đức với nhu cầu trong nước thúc đẩy lạm phát.

Lạm phát tăng vọt gần đây, đạt mức cao nhất trong hơn 40 năm vào năm ngoái, đã gây ra sự bất mãn trong các hộ gia đình và khiến tiêu dùng trong nước sụt giảm.

Tin bài liên quan