Cam kết đổi mới đối với mục tiêu đã được đưa vào hướng dẫn chính sách tài khoá và kinh tế hàng năm của Nhật Bản mới được phê duyệt tại cuộc họp Nội các hôm thứ Sáu (21/6). Chính phủ nước này cũng cho biết sẽ tiếp tục cố gắng giảm tỷ lệ nợ trên tổng sản phẩm quốc nội.
Việc khắc phục tình trạng tài chính công tồi tệ đã nổi lên như một nhiệm vụ quan trọng đối với Nhật Bản khi ngân hàng trung ương nước này vào tháng 3 đã chấm dứt 8 năm lãi suất âm và các biện pháp chính sách khác thường giúp giữ chi phí vay ở mức cực thấp.
Trong khi đó, nợ công của Nhật Bản cao hơn gấp đôi quy mô nền kinh tế nước này, và là lớn nhất trong số các nền kinh tế công nghiệp hóa cho đến nay. Cân đối ngân sách cơ bản - không bao gồm chi phí bán trái phiếu mới và trả nợ - là chỉ báo quan trọng để xác định số lượng các biện pháp chính sách có thể được tài trợ mà không cần phát hành nợ.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng mục tiêu này - từng bị đẩy lùi nhiều lần trong quá khứ - sẽ khó đạt được khi chính phủ có kế hoạch chi mạnh tay cho việc hỗ trợ chăm sóc trẻ em và tăng gấp đôi chi tiêu quân sự quốc gia.
Chính phủ Nhật Bản đã ước tính vào tháng 1 rằng ngân sách cơ bản sẽ thâm hụt 1.100 tỷ yên (7,44 tỷ USD) trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2026, mặc dù lưu ý rằng thặng dư có thể "xuất hiện" nếu nỗ lực hợp lý hóa chi tiêu tiếp tục.
Nhà kinh tế điều hành Takahide Kiuchi của Viện nghiên cứu Nomura cho biết: “Chính phủ nên thay đổi mục tiêu sang mục tiêu thực tế hơn và sau đó đưa ra các biện pháp cụ thể để đạt được mục tiêu đó…Chính phủ sẽ cần các biện pháp cụ thể để kiềm chế chi tiêu phúc lợi xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.
Nhật Bản lần đầu tiên đặt mục tiêu thặng dư ngân sách cơ bản vào đầu những năm 2000 nhưng thời hạn mục tiêu đã bị đẩy lùi nhiều lần.