Doanh nghiệp liên tục kiến nghị nhập khẩu vàng
Mới đây, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam có văn bản gửi Chủ tịch Quốc hội, cho rằng, việc đưa kinh doanh vàng vào Danh mục 243 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện sẽ khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội cũng đề nghị, cần phải coi hoạt động nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ cũng là hoạt động bình thường như hoạt động nhập khẩu nguyên liệu của tất cả hàng hóa thông thường khác.
Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, cho phép nhập khẩu vàng trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều bất ổn như hiện nay tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, đặc biệt là rủi ro tỷ giá.
Cách đây một tháng, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt cũng đưa ra đề nghị tương tự với Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Theo Hiệp hội, việc NHNN dừng nhập khẩu vàng nguyên liệu 5 năm qua khiến các doanh nghiệp vàng trang sức hết sức khó khăn, phải mua nguyên liệu trôi nổi trên thị trường. Trong khi đó, lượng vàng nguyên liệu hàng năm mà doanh nghiệp cần khoảng 15 tấn. Ước tính, lượng ngoại tệ phải bỏ ra để nhập khẩu khoảng 650 triệu USD, con số không quá lớn để làm chao đảo thị trường ngoại tệ.
Đề xuất của doanh nghiệp vàng được một số chuyên gia kinh tế chia sẻ. TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, NHNN nên cân nhắc cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng. Tuy nhiên, do nhập khẩu vàng sẽ làm thị trường ngoại tệ bị ảnh hưởng, vì vậy, NHNN có thể tiến hành thử nghiệm trước với một số doanh nghiệp để kiểm tra phản ứng của thị trường trước khi có quyết định chính thức.
Mở vàng sẽ khiến tỷ giá khó quản lý
Mặc dù Hiệp hội Kinh doanh vàng liên tục đưa ra kiến nghị nới lỏng điều kiện kinh doanh, song đến nay, NHNN vẫn chưa có dấu hiệu sẽ thả lỏng quản lý với lĩnh vực này. Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, cho phép nhập khẩu vàng trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều bất ổn như hiện nay tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, đặc biệt là rủi ro tỷ giá.
Thời gian gần đây, thị trường vàng và USD biến động chóng mặt sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Đặc biệt, lần đầu tiên sau nhiều năm, kiều hối có dấu hiệu giảm sút.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN, Chi nhánh TP.HCM, lượng kiều hối về địa bàn Thành phố qua các kênh chính thức ước đạt 5 tỷ USD năm nay, giảm hơn 500 triệu USD so với năm ngoái, chủ yếu do kiều hối từ Mỹ gửi về giảm mạnh. Ước tính của NHNN cho thấy, kiều hối của cả nước năm nay chỉ đạt khoảng 9 tỷ USD (năm 2015 khoảng 12 tỷ USD).
Kiều hối giảm, cộng với xu hướng nhập siêu tăng, khiến nhà điều hành không thể chủ quan với tỷ giá. Thêm vào đó, giới đầu tư cho rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất trong phiên họp chính sách định kỳ diễn ra vào cuối năm nay.
Tất cả những diễn biến trên cho thấy, tỷ giá trong nước đang chịu nhiều áp lực. TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho rằng, dự trữ ngoại hối ở nước ta dù đang cao kỷ lục, song vẫn còn thấp so với các nước khác. Vì vậy, nếu cho phép nhập khẩu vàng, yếu tố tâm lý có thể khiến tỷ giá biến động, gây áp lực cho nhà điều hành.
Ngay cả ông Nguyễn Trí Hiếu, dù ủng hộ việc thí điểm nhập khẩu vàng nguyên liệu, song cũng cảnh báo, việc nhập khẩu vàng sẽ ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối. Chưa kể, nếu không kiểm soát tốt, số vàng nguyên liệu này có thể bị sử dụng sai mục đích, gây bất ổn cho thị trường.
Cảnh báo của các chuyên gia kinh tế là có cơ sở, bởi thời gian gần đây, mặc dù giá vàng thế giới giảm, song giá vàng trong nước vẫn luôn giữ ở mức cao, có thời điểm chênh với giá thế giới trên 4 triệu đồng/lượng. Trước những diễn biến mới đây của thị trường tỷ giá và vàng, lãnh đạo NHNN khẳng định, sẽ theo dõi sát diễn biến của thị trường và sẵn sàng các phương án, nguồn lực can thiệp khi cần thiết.