Các số liệu thống kê cho thấy, với 32,242 tỷ USD hàng hoá nhập khẩu trong 7 tháng qua, chúng ta đã hoàn thành 61,65% mục tiêu đề ra, còn so với cùng kỳ năm 2006 thì đã tăng bùng nổ 29,8%. Với kim ngạch xuất khẩu 26,79 tỷ USD trong 7 tháng qua, như vậy, chúng ta đã nhập siêu 5,435 tỷ USD - gần như “hoàn thành” trọn vẹn mục tiêu của cả năm (5,544 tỷ USD) và hiện đã đẩy tỷ lệ nhập siêu lên 20,35%. Không những thế, với đà gia tăng xuất khẩu và nhập khẩu trong những tháng cuối năm, kim ngạch nhập siêu đương nhiên sẽ gia tăng và rất có thể tỷ lệ nhập siêu cũng sẽ tăng.
Nếu xem xét một cách chi tiết hơn các số liệu thống kê xuất nhập khẩu trong 7 tháng qua, có thể thấy tình trạng gia tăng nhập siêu của nước ta bắt nguồn từ ba tác nhân chủ yếu sau đây:
- Thứ nhất, nhập siêu tăng là do nhập khẩu tăng vọt, nhưng vấn đề mấu chốt là ở chỗ, nguyên nhân dẫn đến nhập khẩu tăng vọt không phải do nhu cầu nhập khẩu tăng, mà là do giá nhập khẩu khuếch đại lên.
Cụ thể, các kết quả tính toán từ việc nhập khẩu 12 nguyên liệu phi dầu mỏ trong 7 tháng qua cho thấy, tổng kim ngạch nhập khẩu thực tế là 6,702 tỷ USD, tăng 1,742 tỷ USD (tương đương 35,12%) so với cùng kỳ năm 2006, nhưng nếu quy về giá năm 2006, thì chỉ là 5,839 tỷ USD, tức là chỉ tăng 879 triệu USD và 17,72%. Rõ ràng, tốc độ tăng này còn thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu hàng hoá và điều này có nghĩa là 863 triệu USD và 17,40% còn lại trong sự gia tăng nhập khẩu là do sốt nóng giá thế giới khuếch đại lên và đây cũng chính là tác nhân rất quan trọng dẫn đến việc giá tiêu dùng trong nước tăng tốc trong những tháng qua.
- Thứ hai, điều hết sức đáng lưu ý là, trong khi gánh nặng nhập siêu tăng đại nhảy vọt như vậy có phần rất quan trọng là do giá nguyên liệu phi dầu mỏ tăng rất mạnh, thì chúng ta chẳng những không được hưởng lợi, mà còn chịu thiệt do giá hàng xuất khẩu nói chung giảm so với cùng kỳ năm 2006.
Cụ thể, các số liệu thống kê về xuất khẩu 9 mặt hàng chủ yếu trong 7 tháng qua cho thấy, tổng giá trị xuất khẩu thực tế là 8,436 tỷ USD, chỉ tăng vỏn vẹn 3,55% so với cùng kỳ năm 2006, nhưng nếu quy về giá năm 2006 thì “teo lại” còn 8,074 tỷ USD, tức là giảm mất 99 triệu USD và 1,21%.
Thực trạng này cho thấy hai điều. Trước hết, tuy tình hình là khác nhau ở từng mặt hàng cụ thể, nhưng nhìn chung, giá các loại nguyên liệu và nông sản thô xuất khẩu của nước ta đã “kịch trần”, nên khó có thể dựa vào những mặt hàng truyền thống này để tăng tốc xuất khẩu. Tiếp theo, trong khi xuất khẩu các mặt hàng truyền thống nói chung đều “giậm chân tại chỗ”, việc đạt được tốc độ tăng xuất khẩu tương đối khả quan 19,6% trong 7 tháng đầu năm nay là do những nỗ lực vượt bậc trong việc đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng khác.
- Thứ ba, tuy cũng là một tác nhân quan trọng dẫn đến nhập khẩu và nhập siêu tăng, nhưng việc gia tăng nhập khẩu nhóm hàng máy móc, thiết bị và phụ tùng phải được nhìn nhận là điều đáng mừng của nền kinh tế nước ta ở thời điểm vừa gia nhập “ngôi nhà chung WTO”.
Các số liệu thống kê cho thấy, tổng kim ngạch nhập khẩu của nhóm hàng máy móc, thiết bị và phụ tùng trong 7 tháng đầu năm nay đã đạt 5,044 tỷ USD, tức là đã tăng 1,497 tỷ USD (tương đương 42,2%) so với cùng kỳ năm 2006 và chiếm 20,22% trong tổng mức tăng kim ngạch nhập khẩu 7,402 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2006. Đây là kết quả của những nỗ lực trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài và gia tăng đầu tư từ các nguồn vốn trong nước, nhằm tạo ra năng lực sản xuất mới phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong những năm tới. Như vậy, trong điều kiện vốn đầu tư nước ngoài đang tiếp tục đổ vào nước ta, cộng với những nỗ lực tăng tốc đầu tư trong nước, chắc chắn xu thế gia tăng nhập siêu do tăng tốc đầu tư sẽ còn tiếp tục mạnh lên trong những năm tới.
Tóm lại, tuy trong ba tác nhân dẫn đến tăng bùng nổ nhập khẩu và nhập siêu cũng có tác nhân tích cực và tác nhân này sẽ còn lớn mạnh hơn trong những năm tới, nhưng rõ ràng là việc tìm kiếm các giải pháp để tăng tốc xuất khẩu, đồng thời kiềm chế tốc độ tăng nhập khẩu để giảm nhập siêu đang ngày càng trở nên bức xúc hơn đối với nền kinh tế nước ta.