Nhập siêu giảm so với chu kỳ, Bộ Công thương lo còn khó trong những tháng tới

0:00 / 0:00
0:00
Bộ Công thương dự báo, hoạt động xuất nhập khẩu nhiều khả năng vẫn còn khó khăn trong những tháng tới do nhu cầu tiêu dùng trên toàn cầu giảm.
Xuất nhập khẩu dự báo còn khó trong những tháng tới.

Xuất nhập khẩu dự báo còn khó trong những tháng tới.

Bộ Công thương cho biết, theo chu kỳ những năm trước, nhập siêu thường đến trong các tháng đầu năm do các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu.

Tuy nhiên, tình hình này đã không tiếp diễn trong những tháng đầu năm 2023.

Cụ thể, cán cân thương mại của Việt Nam trong tháng 2/2023 tiếp tục thặng dư 2,3 tỷ USD, nâng tổng xuất siêu trong 2 tháng đầu năm lên 2,82 tỷ USD (trong khi cùng kỳ năm trước nhập siêu hơn 300 triệu USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 3,69 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 6,51 tỷ USD.

"Năm nay, với việc thiếu vắng các đơn hàng từ các thị trường chính, tình hình nhập khẩu nguyên liệu đầu vào đã phần nào có phần trầm xuống, cho thấy hoạt động xuất nhập khẩu nhiều khả năng vẫn còn khó khăn trong những tháng tới", Bộ Công thương dự báo.

Thực tế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu của Việt Nam tới hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm mạnh so với cùng kỳ.

Mặc dù Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 13,1 tỷ USD nhưng so với cùng kỳ đã giảm 21% .

Thị trường EU cũng giảm 4,2%, đạt 6,9 tỷ USD; xuất khẩu sang ASEAN đạt 4,6 tỷ USD, giảm 8%; Hàn Quốc đạt 3,5 tỷ USD, giảm 5,7%; Nhật Bản đạt 3,2 tỷ USD, giảm 5,9%...

Ngoại trừ thị trường Trung Quốc, với chính sách mở cửa trở lại từ đầu năm 2023 sau gần ba năm thực hiện chính sách “Zero Covid” đã tác động tích cực đến xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này, nhờ đó xuất khẩu đạt 8,2 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ.

Tổng thể, 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hàng hoá ước đạt 49,49 tỷ USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lạm phát tại các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản...vẫn còn ở mức cao, xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ tại một số thị trường tiêu thụ dệt may, da giày, đồ gỗ, linh kiện điện tử… , vốn là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta đã khiến đơn hàng xuất khẩu giảm, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng này.

Xung đột Nga - Ukraine tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực và rất khó đoán định khiến đầu tư giảm và gián đoạn, niềm tin của doanh nghiệp và nhu cầu tiêu dùng trên toàn cầu giảm, tạo thêm khó khăn cho hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Tin bài liên quan