Nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn tăng mạnh. Ảnh: Lương Bằng
Theo Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm 2015 Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 36,8 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó nhập khẩu máy móc thiết bị tăng 21,5%; điện thoại các loại tăng 18,8%; vải tăng 12,6%.
Nhập siêu tháng 9 ước tính 100 triệu USD. Tính chung 9 tháng, nhập siêu ở mức 3,9 tỷ USD, bằng 3,2% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.
Riêng nhập siêu từ Trung Quốc 9 tháng là 24,3 tỷ USD, tăng mạnh ở mức 21,3% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong cuộc họp tổ điều hành liên bộ gần đây, ông Nguyễn Tiến Vị, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Bộ Công thương dự đoán mức nhập siêu Trung Quốc năm 2015 rất có thể đạt khoảng 35 tỷ USD.
Tổng cục Thống kê cho rằng tác động của việc điều chỉnh tỷ giá của Trung Quốc và Việt Nam chưa thể hiện rõ trong kết quả hoạt động xuất, nhập khẩu 9 tháng qua, nhưng trong quý IV có thể sẽ bị ảnh hưởng và nhập siêu từ Trung Quốc có khả năng tiếp tục tăng cao.
Trong báo cáo gần đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ có tác động không lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta.
Theo tính toán sơ bộ của các chuyên gia, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ có thể tăng thêm khoảng 0,04% năm 2015 và tăng thêm 0,08% trong năm 2016. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ không bị ảnh hưởng nhiều do Việt Nam đã chủ động thực hiện các biện pháp hỗ trợ xuất khẩu và điều chỉnh giảm giá VND để thúc đẩy xuất khẩu.
Nước ta nhập khẩu lớn từ Trung Quốc với cơ cấu nhập khẩu chủ yếu là nguyên vật liệu, máy móc thiết bị. Do vậy theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc phá giá đồng Nhân dân tệ cùng với giá xăng, dầu xuống thấp, tạo điều kiện giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Tuy nhiên, hàng hóa nước ta sẽ gặp nhiều bất lợi khi cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc, nhất là mặt hàng tiêu dùng.
Theo thống kê sơ bộ cập nhật của Tổng cục Hải quan, hết tháng 8, Việt Nam nhập khẩu lượng hàng hóa trị giá tới 32,55 tỷ USD từ Trung Quốc. Con số này tăng gần 5,4 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2014.
Trong khi ở chiều ngược lại, nước ta chỉ xuất khẩu được lượng hàng hóa trị giá 11,044 tỷ USD vào quốc gia láng giềng này.
Với trị giá nêu trên, hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm gần 30% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước, tính đến hết tháng 8.
Phân tích kỹ hơn vào quy luật nhập khẩu và cơ cấu hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc càng làm dấy lên lo ngại về sự phụ thuộc ngày càng lớn của nước ta vào hàng hóa nhập khẩu từ quốc gia này.
Trước tiên, về quy luật xuất khẩu của Trung Quốc vào Việt Nam, nhiều năm qua, nước này luôn duy trì một mức tăng trưởng ổn định ở mức cao về kim ngạch xuất khẩu vào Việt Nam bất chấp nhưng biến động của nền kinh tế thế giới.
Đơn cử như 8 tháng đầu năm 2009, trị giá hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc mới đạt 9,745 tỷ USD, tính trung bình khoảng 1,218 tỷ USD/tháng. Sang cùng kỳ năm 2010, Trung Quốc nâng mức xuất khẩu vào nước ta lên 12,579 tỷ USD, trung bình đạt gần 1,6 tỷ USD/tháng.
Đến hết tháng 8 năm nay, con số này đã nâng lên tới 32,55 tỷ USD, tăng tới 22,805 tỷ USD so với năm 2009, nghĩa là tăng 3,34 lần chỉ trong vòng 7 năm. Tốc độ tăng trưởng chóng mặt hơn bất kỳ một thị trường nào trong tổng số hơn 200 quốc và vùng lãnh thổ mà Việt Nam đang có quan hệ ngoại thương.
Từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tháng nước ta bỏ ra hơn 4 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc.
Và chỉ cần 8 tháng của năm nay, trị giá nhập khẩu từ Trung Quốc đã vượt mức cả năm 2012 (gần 29 tỷ USD) và thêm một tháng nữa là bằng mức nhập khẩu của cả năm 2013 (gần 37 tỷ USD).
Với tốc độ nhập khẩu trung bình khoảng 4 tỷ USD từ đầu năm đến nay, cộng với quy luật nhập khẩu từ Trung Quốc những tháng cuối năm tăng mạnh thì nhiều khả năng kết thúc năm 2015, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc lần đầu tiên sẽ cán mốc 50 tỷ USD- là thị trường duy nhất đạt đến mức này và bỏ xa các đối tác thương mại khác của nước ta.
Năm 2014 kim ngạch nhập khẩu từ quốc gia này mới đạt 43,71 tỷ USD, với mức nhập khẩu trung bình hơn 3,6 tỷ USD từ Trung Quốc.
Xét về cơ cấu ngành hàng, hiện nay, hầu hết hàng hóa nhập khẩu nằm trong “rổ” thống kê của cơ quan Hải quan (khoảng 50 mặt hàng) đều có sự góp mặt của hàng hóa “Made in China”.
Trong đó, nhiều mặt hàng nhập khẩu có tính áp đảo trên thị trường như máy móc thiết bị với kim ngạch hơn 6 tỷ USD, chiếm hơn 32% tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này của cả nước; điện thoại các loại và linh kiện đạt hơn 4,5 tỷ USD, chiếm gần 62% tổng trị giá nhập khẩu cả nước; vải các loại đạt gần 3,4 tỷ USD, chiếm tới gần 51% tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của cả nước…
Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu chóng mặt từ Trung Quốc đã đào sâu thêm mức thâm hụt thương mại của nước ta với thị trường này lên hơn 21,5 tỷ USD, đồng thời là tác nhân chính khiến Việt Nam quay lại con đường nhập siêu với con số nhập siêu cả nước hết tháng 8 đạt 3,76 tỷ USD.