Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, mặc dù kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ thị trường Thái Lan trong tháng 12/2019 tăng 3,45% so với tháng trước đó, đạt 952,72 triệu USD, nhưng tính tổng kim ngạch trong cả năm 2019 lại giảm nhẹ 3,06% đạt 11,65 tỷ USD.
Trong các mặt hàng nhập khẩu lớn từ thị trường này năm 2019, có hai nhóm hàng có giá trị nhập khẩu lớn nhất, đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Bao gồm: ô tô nguyên chiếc các loại có kim ngạch nhập khẩu tăng trưởng mạnh với 40,16% so với năm ngoái, đạt 1,526 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 13,1%. Nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác có kim ngạch đạt 1,01 tỷ USD, chiếm 8,68% thị phần, tăng 4,61% so với năm 2018.
Năm 2019, có bốn nhóm hàng nhập khẩu từ Thái Lan có kim ngạch trên 500 triệu USD và gần chạm mức 1 tỷ USD. Cụ thể, nhập khẩu hàng điện gia dụng và linh kiện giảm 3,44% đạt 913,79 triệu USD; chất dẻo nguyên liệu giảm 15,6% đạt 820,37 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 908,66 triệu USD tăng 36,97%; linh kiện, phụ tùng ô tô đạt 645,19 triệu USD, tăng 4,04% so với năm ngoái.
Việt Nam còn nhập một lượng lớn rau quả từ Thái Lan, với mức chi nhập khẩu đạt 487 triệu USD, giảm 28,5% so với 2018. Nhập khẩu vải 279,4 triệu USD, giam gần 4%, xăng dầu 393 triệu USD, giảm 60%, nhập khẩu kim loại thường các loại đạt 346 triệu USD, giảm 5,16%...
Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu dưới chục triệu USD là: Phân bón các loại đạt 9,33 triệu USD, tăng 25,31% so với năm ngoái; nguyên phụ liệu thuốc lá đạt 875.844 USD, tăng 85,73%; nguyên phụ liệu dược phẩm đạt 785.273 USD, giảm 46,63% so với năm 2018.
Thái Lan hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối ASEAN.Trong thời gian qua, kim ngạch thương mại Việt Nam – Thái Lan đạt mức tăng trưởng tốt với tốc độ tăng trưởng bình quân 8,1%/năm trong giai đoạn năm 2015 - 2019. Năm 2019, với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 17 tỷ USD, giảm nhẹ 3,4% so với 2018. Hai nước đặt mục tiêu thương mại song phương đạt 20 tỷ USD trong năm 2020, phấn đấu đạt mức 30 tỷ USD vào năm 2025.