Nhập khẩu gạo 8 tháng 2024 sắp vượt cả năm ngoái.
Dù là quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, nhưng 8 tháng đầu năm nay, nước ta vẫn chi ra gần 850 triệu USD để nhập khẩu gạo về phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng nội địa.
Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, 8 tháng năm 2024, Việt Nam chi 843 triệu USD để nhập khẩu gạo các loại, tăng mạnh 43,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Với tốc độ nhập khẩu gạo như hiện nay của các doanh nghiệp, năm 2024, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này dự báo vượt mốc 1 tỷ USD.
Năm 2023, nước ta cũng chi ra 860 triệu USD để nhập khẩu gạo từ các quốc gia, trong đó chủ yếu nhập từ 2 thị trường Ấn Độ và Campuchia.
Đặc biệt, nhập khẩu gạo từ Ấn Độ về Việt Nam tăng vọt, nhất là với mặt hàng gạo tấm. Giá gạo nhập khẩu rẻ nhờ được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% từ Ấn Độ theo Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN - Ấn Độ (AIFTA).
Lượng gạo nhập khẩu về nước ta chủ yếu ở phân khúc thấp như gạo 25% tấm và gạo 100% tấm. Các loại gạo này được nhập về để phục vụ cho sản xuất chế biến ra các sản phẩm từ gạo như làm bún, bánh, thức ăn chăn nuôi, sản xuất bia, rượu...
Ở chiều xuất khẩu, 8 tháng cả nước xuất bán thành công 6,15 triệu tấn gạo, thu về gần 3,85 tỷ USD, tăng 5,8% về lượng và tăng lại tăng mạnh 21,7% về trị giá so với cùng kỳ. Xuất siêu ngành gạo hơn 3 tỷ USD.
Các doanh nghiệp cho biết, những năm gần đây, Việt Nam đẩy mạnh thực hiện chiến lược nâng cao chất lượng hạt gạo nhằm tăng giá trị cho gạo Việt theo hướng chuyển dần sang sản xuất các giống gạo thơm, chất lượng cao. Ở nhiều thời điểm, gạo trắng 5% tấm của Việt Nam duy trì mức giá cao nhất thế giới.
Ngược lại, trong nước cũng thiếu hụt một lượng đáng kể gạo nguyên liệu chế biến thực phẩm như bún, bánh phở, bột gạo… cũng như chế biến thức ăn chăn nuôi nên gia tăng nhập khẩu. Trong khi diện tích sản xuất có hạn và năng suất sản xuất cũng tới hạn nên việc bán gạo giá trị cao và nhập khẩu gạo nguyên liệu về chế biến là có lợi về mặt kinh tế nên không có gì phải lo.