Gạo Việt xuất khẩu ngày càng khẳng định chất lượng, cần kiểm soát chặt gạo nhập khẩu để tránh giả mạo xuất xứ. Ảnh: ĐT

Gạo Việt xuất khẩu ngày càng khẳng định chất lượng, cần kiểm soát chặt gạo nhập khẩu để tránh giả mạo xuất xứ. Ảnh: ĐT

Nhập khẩu gạo Ấn Độ về Việt Nam tăng bất thường

0:00 / 0:00
0:00
Bộ Công thương kiểm tra việc thực thi pháp luật xuất nhập khẩu gạo, vì không loại trừ việc tận dụng mức thuế ưu đãi để nhập gạo Ấn Độ, rồi gian lận xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu.

Nhập khẩu gạo Ấn Độ tăng chóng mặt

Là quốc gia xuất khẩu gạo trong top 3 trên thế giới, với lượng xuất khẩu 6 - 7 triệu tấn gạo mỗi năm, nhưng thời gian gần đây, một lượng lớn gạo Ấn Độ đã được một số doanh nghiệp trong nước nhập về với tốc độ tăng chóng mặt.

Nếu như giai đoạn từ năm 2019 trở về trước, nhập khẩu gạo Ấn Độ chỉ quanh mức 500 tấn cho đến vài ngàn tấn mỗi năm, thì năm 2020, Việt Nam nhập khẩu 46.700 tấn gạo từ Ấn Độ, tăng hơn 9,5 lần so với năm 2019 và lượng gạo nhập khẩu vẫn tiếp tục phi mã trong những tháng đầu năm 2021.

Theo số liệu của Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, lượng gạo Ấn Độ vào Việt Nam quý I/2021 là 247.000 tấn, trị giá 74,8 triệu USD. Con số này tăng đột biến hơn 3.200 lần về lượng và tăng 554 lần về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, đưa Việt Nam trở thành nước xếp vị trí thứ 8 về nhập khẩu gạo từ Ấn Độ.

Điểm đáng lưu ý là, gần như toàn bộ các lô gạo nhập từ Ấn Độ vào Việt Nam từ đầu năm 2021 có giá nhập khẩu trung bình khoảng 303 USD/tấn, thấp hơn gần 200 USD/tấn so mức giá gạo trắng xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn này.

Tháng 5/2021, giá gạo xuất khẩu Ấn Độ nói chung có tăng, đến cuối tháng đạt mức 382 USD/tấn, trong khi đó, gạo Việt Nam xuất khẩu có giá trung bình khoảng 493 USD/tấn. Như vậy, giá gạo xuất khẩu Ấn Độ thấp hơn gạo xuất khẩu Việt Nam cùng chủng loại trên dưới 100 USD/tấn.

Phần lớn doanh nghiệp nhập khẩu gạo 100% tấm từ Ấn Độ. Gạo tấm có ưu điểm giá rẻ hơn các loại gạo nguyên hạt, có nhiều kích cỡ, nên có thể sử dụng để chế biến nhiều loại thực phẩm, tùy thuộc vào mục đích khác nhau. Loại gạo này cũng có thể sử dụng để sản xuất thức ăn chăn nuôi và cho các nhà máy bia. Theo một số doanh nghiệp, nhu cầu đối với chủng loại gạo tấm phục vụ mục đích làm bột, bánh, bún, phở và cơm tấm ở trong nước cũng đang gia tăng.

Trước tình trạng nhập khẩu gạo Ấn Độ tăng bất thường vào Việt Nam, cuối tháng 6 vừa qua, Bộ Công thương đã lập Đoàn công tác kiểm tra việc thi hành pháp luật đối với các thương nhân kinh doanh xuất nhập khẩu gạo tại 5 doanh nghiệp xuất nhập khẩu gạo trong nước, gồm: Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Long; Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thuận Minh; Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời; Công ty cổ phần Tân Đồng Tiến và Công ty TNHH Khánh Tâm.

Theo đó, các doanh nghiệp báo cáo về Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) số liệu nhập khẩu, kinh doanh, tiêu thụ gạo Ấn Độ của doanh nghiệp mình từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/5/2021. Về tình hình nhập khẩu, báo cáo số tờ khai nhập khẩu, ngày nhập, số lượng, giá trị…; về tình hình kinh doanh, tiêu thụ, báo cáo mức tiêu thụ tại công ty, mục đích, xuất bán, số ngày hóa đơn xuất bán, tồn kho…

Cảnh báo vấn đề gian lận xuất xứ

Gạo nhập khẩu từ Ấn Độ vào Việt Nam ngày càng thuận lợi nhờ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AIFTA), đã tạo điều kiện để thuế nhập khẩu gạo Ấn Độ xuống mức rất thấp. Đối với sản phẩm gạo, theo biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của AIFTA, các loại gạo 5% tấm và 100% tấm nhập khẩu từ Ấn Độ được hưởng thuế suất 0%.

Mức thuế ưu đãi này là lý do lớn nhất thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước tăng nhập khẩu gạo Ấn Độ.

Tuy nhiên, không ít ý kiến lo ngại trường hợp lợi dụng sự chênh lệch giá (gạo Việt Nam cao hơn gạo Ấn Độ khoảng 100 USD/tấn) để gia tăng gian lận, giả mạo xuất xứ gạo Việt Nam để xuất khẩu. Nếu kiểm soát không chặt, để xảy ra tình trạng này, ngành xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam sẽ chịu thiệt hại nặng nề.

Bởi, cùng thời điểm gạo Ấn Độ ồ ạt đổ vào Việt Nam, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 - Cục Hải quan TP.HCM liên tiếp phát hiện các lô hàng gạo nhập khẩu từ Ấn Độ nghi vấn gian lận xuất xứ Việt Nam

Thông tin từ Cục Hải quan TP.HCM, từ cuối năm 2020 đến hết tháng 5/2021, có một số doanh nghiệp nhập khẩu gạo từ Ấn Độ về Việt Nam vi phạm về nhãn mác, xuất xứ. Đặc biệt, có doanh nghiệp trong tháng 3/2021 đã nhập 2 lô hàng gạo từ Ấn Độ về, nhưng trên bao bì lại ghi nhãn mác xuất xứ Việt Nam và đã được hải quan TP.HCM thu giữ để điều tra xác minh.

Đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước cảnh báo, thời gian gần đây đã xuất hiện dấu hiệu bị giả mạo xuất xứ của gạo trắng Việt Nam. Không loại trừ tình trạng doanh nghiệp tận dụng thuế 0% để nhập khẩu gạo Ấn Độ về Việt Nam trên danh nghĩa tiêu thụ trong nước, nhưng có pha trộn để xuất khẩu, gian lận xuất xứ Việt Nam.

Ông Phạm Thái Bình, chuyên gia ngành lúa gạo cho rằng, việc một số doanh nghiệp Việt Nam vì “lợi ích cục bộ” đã nhập khẩu lượng lớn gạo giá rẻ vào Việt Nam nhưng không sử dụng trong nước, mà trà trộn với gạo Việt Nam sau đó dùng xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đi là hành động cần bị lên án mạnh mẽ.

Các doanh nghiệp kiến nghị cơ quan chức năng cần đưa mặt hàng gạo nhập từ Ấn Độ vào luồng đỏ, kiểm tra 100% hàng hóa để phát hiện, xử phạt những công ty giả mạo xuất xứ; giám sát chặt chẽ các trường hợp công ty nhập gạo Ấn Độ về nhưng lại tái xuất với xuất xứ Việt Nam.

Chế tài mạnh với trường hợp gian lận thương mại

Năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 6 triệu tấn gạo, mang về 3,07 tỷ USD. Gạo cũng là nông sản có đóng góp lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu trên 40 tỷ USD/năm của toàn ngành nông nghiệp.

Do đó, việc kiểm soát chặt gạo nhập khẩu để tránh giả mạo xuất xứ gạo Việt Nam, không để ảnh hưởng đến ngành xuất khẩu tỷ USD là nhiệm vụ cấp thiết. Đồng thời, Nhà nước cần có chế tài xử lý mạnh tay những trường hợp gian lận thương mại làm ảnh hưởng đến uy tín của gạo Việt Nam.

Tin bài liên quan