Đường nhập khẩu từ 5 quốc gia ASEAN tăng vọt 6 tháng năm 2021. (Ảnh minh họa: VSSA).

Đường nhập khẩu từ 5 quốc gia ASEAN tăng vọt 6 tháng năm 2021. (Ảnh minh họa: VSSA).

Nhập khẩu đường tăng vọt bất thường

0:00 / 0:00
0:00
5 quốc gia xuất khẩu đường tăng mạnh vào Việt Nam, trong khi năng lực sản xuất thấp cần xem xét đến nguồn gốc xuất xứ cũng như hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá giá.

Phản ánh từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho thấy, mặc dù Việt Nam đã chính thức áp thuế chống bán phá giá (CBPG) đường Thái Lan 5 năm (từ tháng 6/2021), nhưng thời gian qua vẫn tiếp tục xảy ra hiện tượng bất thường trong xuất khẩu đường vào Việt Nam từ một số quốc gia ASEAN như Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar và Indonesia.

Năng lực sản xuất thấp nhưng xuất khẩu lại tăng

VSSA dẫn số liệu tổng lượng nhập khẩu đường từ 5 quốc gia trên trong 6 tháng năm 2021 lên tới 399.189 tấn, tăng gấp 10 lần so với con số 38,61 tấn của cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, toàn bộ số đường xuất khẩu này chỉ phải chịu thuế 5% so với mức thuế lẽ ra phải đóng là 33,88% và 48,88% tùy theo từng loại, điều này gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước.

Theo nhận định của VSSA, hoạt động xuất khẩu đường tăng đột biến đang cho thấy dấu hiệu của động thái lẩn tránh thuế CBPG và chống trợ cấp (CTC), khi cả 5 nước trên đều có nhập khẩu đường từ Thái Lan. Bởi cả 5 quốc gia nêu trên hoàn toàn không có phát triển gì về năng lực cạnh tranh mía đường, lại có thể xuất khẩu đường vào Việt Nam với mức độ tăng “bùng nổ” như vậy.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền Tổng thư kí VSSA cho biết, hành vi buôn lậu đường qua biên giới không chỉ xảy ra gần đây mà đã kéo dài từ nhiều năm nay. Bản chất của hành vi này chính là việc bán phá giá đường từ Thái Lan nhưng không được để ý, vì năng lực sản xuất đường của Lào và Campuchia điều thua kém Việt Nam nhưng lại có nhập khẩu đường giá rẻ được trợ cấp của Thái Lan.

“Điều này càng thấy thấy rõ hơn từ khi Việt Nam có động thái điều tra và chính thức áp thuế CBPG đối với sản phẩm đường Thái Lan, sản lượng đường xuất khẩu của những quốc gia kể trên đã tăng lên rõ rệt, ngay cả trong thời điểm Việt Nam đang ra sức chống dịch Covid-19. Hiệp hội đã có báo cáo Bộ Công Thương về những dấu hiệu bất thường này. Sau khi được Cục Phòng vệ thương mại hướng dẫn, Hiệp hội đang tích cực đẩy nhanh việc hoàn thiện hồ sơ đề nghị khởi xướng điều tra hành vi bán phá giá đường”, ông Lộc nói.

Để từng bước giảm thiểu tác động của đường nhập khẩu, đại diện VSSA cũng cho hay, sau khi áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục quy trình điều tra việc lẩn tránh thuế. Cùng với đó là tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan, ngăn chặn triệt để hành vi nhập lậu đường đang gây ảnh hưởng rất lớn đến thị trường cũng như ngành sản xuất mía đường trong nước.

“VSSA tiếp tục vận động các doanh nghiệp thành viên tăng giá thu mua mía cho bà con nông dân, đồng thời kêu gọi, khuyến cáo các doanh nghiệp không dung túng, tiếp tay cho các hành vi gian lận thương mại, nhập lậu đường qua biên giới. Tuy nhiên, đây là việc làm còn nhiều cam go vì mức độ tham gia chống lại hành vi gian lận thương mại của các thành viên vẫn còn hạn chế, thiếu sự đồng lòng và thống nhất. Nguy hiểm hơn, những hành vi vi phạm vẫn còn có sự tiếp tay từ chính một số doanh nghiệp trong nước khiến biện pháp xử lý cho vấn đề này ngày càng trở nên khó khăn”, ông Lộc chia sẻ.

Thực hiện đúng quy trình điều tra

Trao đổi vấn đề này, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (PVTM) - Bộ Công Thương cho biết, theo Luật Quản lý ngoại thương Việt Nam và quy định trong WTO, khi thấy có hiện tượng vi phạm về phòng vệ thương mại, đại diện các nhà sản xuất trong nước sẽ chuẩn bị hồ sơ để kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước thực hiện các quy trình điều tra.

Trong đó, ngoài việc phản ánh hiện tượng, các nhà sản xuất trong nước còn phải thu thập đầy đủ nội dung, chứng cứ về mức độ thiệt hại. Nguyên đơn trong vụ việc phải đảm bảo tính đại diện của một ngành sản xuất và người đứng đơn phải đạt trên 50% tỷ lệ ủng hộ.

“Ngay sau khi tiếp nhận phản ánh của VSSA, Cục PVTM cũng đã hướng dẫn Hiệp hội lấy ý kiến của các thành viên, tổng hợp số liệu về tình hình sản xuất, tiêu thụ của ngành và gửi mẫu hồ sơ để VSSA hoàn thiện những thông tin chi tiết. Sau khi tiếp nhận đầy đủ hồ sơ, cơ quan quản lý nhà nước xem xét và thông báo công khai cho các quốc gia có lượng đường xuất khẩu gia tăng theo phản ánh của Hiệp hội”, ông Dũng cho hay.

VSSA đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị khởi xướng điều tra hành vi bán phá giá đường. (Ảnh minh họa: Tạp chí Công Thương)
VSSA đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị khởi xướng điều tra hành vi bán phá giá đường. (Ảnh minh họa: Tạp chí Công Thương)

Theo quy định của Luật Ngoại thương Việt Nam, thời gian để đánh giá thiệt hại của ngành sản xuất trong nước thường là 1 năm. Trong trường hợp đặc biệt có thể thấp hơn nhưng không thấp hơn dưới 6 tháng. Trong thời gian này, VSSA cần thu thập toàn bộ số liệu sản xuất, sản lượng, số liệu nhập khẩu, biến động giá cả… sau đó tổng hợp lại để làm bằng chứng.

Cùng với đó, cần phải có thời gian cho các quốc gia nhận đơn xem xét và xử lý. Thời gian nghiên cứu đơn theo quy định tối đa là 60 ngày và tối thiểu là 45 ngày, nhưng riêng với vấn đề đường nhập khẩu tăng nhanh, Bộ Công Thương có thể yêu cầu các quốc gia đẩy nhanh tiến trình xem xét ở mức thời gian tối thiểu là 45 ngày.

“Hiện nay, VSSA đã nắm rõ thông tin và đang thực hiện đúng theo quy trình khởi kiện, đảm bảo nguyên tắc đúng và đủ theo thời gian của quá trình điều tra. Đây là hoạt động sẽ gây ảnh hưởng đến các bên và theo quy định của WTO đối với các nước thành viên mà Việt Nam đang tham gia nên quy trình phải tuân thủ đúng”, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại Lê Triệu Dũng nêu rõ.

Tin bài liên quan