Nhập khẩu điều từ Campuchia về Việt Nam tăng bất thường

0:00 / 0:00
0:00
Tổng cục Hải quan xác nhận, có hiện tượng nhập khẩu điều thô tăng đột biến từ thị trường Campuchia và giảm mạnh khi nhập khẩu từ các nước thuộc châu Phi về Việt Nam.
Nhập khẩu hạt điều từ Campuchia về Việt Nam tăng bất thường, Hải quan tăng cường kiểm tra để tránh gian lận xuất xứ và trốn thuế.

Nhập khẩu hạt điều từ Campuchia về Việt Nam tăng bất thường, Hải quan tăng cường kiểm tra để tránh gian lận xuất xứ và trốn thuế.

Nhằm ngăn chặn gian lận thương mại để hưởng thuế suất ưu đãi, Tổng cục Hải quan có văn bản hỏa tốc chỉ đạo một số Cục hải quan tỉnh, thành phố phía Nam tăng cường các biện pháp kiểm tra xuất xứ điều thô nhập khẩu từ Campuchia.

Theo Tổng cục Hải quan, qua rà soát tình hình nhập khẩu, số liệu kim ngạch nhập khẩu mặt hàng điều thô trong thời gian qua cho thấy, có hiện tượng nhập khẩu điều thô tăng đột biến từ thị trường Campuchia và giảm mạnh khi nhập khẩu từ các nước thuộc châu Phi về Việt Nam.

Để tăng cường công tác kiểm tra, xác định xuất xứ mặt hàng điều thô nhập khẩu, ngăn chặn hành vi gian lận để hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt và các gian lận khác, Tổng cục Hải quan chỉ đạo cục hải quan các tỉnh: Gia Lai - Kon Tum, Đắk Lắk, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang thực hiện một số biện pháp nghiệp vụ nhận dạng, kiểm soát hạt điều thô nhập khẩu từ Campuchia và châu Phi.

Cụ thể, Tổng cục Hải quan hướng dẫn, hạt điều Campuchia có màu thâm, nâu đậm, điều thô đầu vụ thì màu nâu trắng, kích thước to đồng đều, hình dáng tròn hơn hạt điều Châu Phi. Hạt điều Châu Phi có màu xanh trắng hoặc trắng, có kích cỡ không đồng đều, hình dáng dẹt, hạt to và nhỏ lẫn lộn.

Cục hải quan các tỉnh tiến hành lựa chọn ngẫu nhiên khoảng 10% trên tổng số lô hàng nhập khẩu của tháng liền kề trước đó để kiểm tra thực tế hàng hóa.

Trường hợp xác định mặt hàng điều thô nhập khẩu đúng khai hải quan, đúng xuất xứ của Campuchia, có các đặc điểm của hạt điều thô xuất xứ Campuchia thì thực hiện thông quan, giải phóng hàng hóa theo quy định.

Trường hợp qua kiểm tra thực tế hàng hóa, đối chiếu với các đặc điểm phân biệt mặt hàng điều thô, nếu phát hiện mặt hàng điều thô nhập khẩu khai có xuất xứ Campuchia, có C/O mẫu D hoặc mẫu S do cơ quan có thẩm quyền của Campuchia phát hành nhưng có những đặc điểm của hạt điều thô châu Phi thì gửi hồ sơ về Tổng cục Hải quan để tiến hành xác minh theo quy định.

Nhập khẩu hạt điều đã tăng bất thường từ đầu năm 2021 đến nay. 7 tháng qua, Việt Nam đã nhập 2,011 triệu tấn, trị giá hơn 3,010 tỷ USD, tăng 157,3% về lượng và tăng 203,2% về trị giá. Mức tăng nhập khẩu này đã vượt xa mức nhập khẩu của cả năm ngoái. Năm 2020, cả nước nhập 1,5 triệu tấn, trị giá 1,8 tỷ USD.

Như vậy, từ sự tăng nhập khẩu này, trong khi chiều xuất khẩu điều chỉ tăng 14%, trị giá 1,971 tỷ USD, nhập siêu ngành điều sau 7 tháng đã trên 1 tỷ USD.

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), Việt Nam là nước xuất khẩu nhân điều lớn, song nguồn nguyên liệu trong nước không đủ và chất lượng chưa cao. Do vậy, nhiều năm nay doanh nghiệp đều phải nhập khẩu.

Tuy nhiên, bất thường hơn cả là lượng hạt điều có xuất xứ từ Campuchia nhập về Việt Nam, trong khi trước đây thường là châu Phi..

Số liệu của Hải quan cho thấy, riêng tháng 7, lượng điều nhập khẩu từ Campuchia là 79.740 tấn, trị giá gần 135 triệu USD, lũy kế 7 tháng đạt gần 1,1 triệu tấn, kim ngạch hơn 1,83 tỷ USD, trong khi nhập từ thị trường này trong cả năm ngoái chỉ có 216.330 tấn, kim ngạch gần 276 triệu USD.

Trước diễn biến bất thường của nhập khẩu điều nguyên liệu, Tổng cục Hải quan đã đưa hoạt động nhập khẩu điều từ Campuchia vào tầm ngắm để để điều tra, xử lý các doanh nghiệp vi phạm.

Được biết, hạt điều nhập khẩu từ các nước ASEAN có thuế 0%, trong khi nhập từ thị trường ngoài ASEAN có thuế 5%. Do đó, dấy lên nghi vấn các doanh nghiệp “mượn” đường Campuchia để trốn thuế nhập khẩu của mặt hàng này.

Về chiêu thức vi phạm, trước tiên các đối tượng thành lập doanh nghiệp và giai đoạn đầu sẽ làm ăn đúng quy định để tạo niềm tin, tạo vỏ bọc, sau một thời gian sẽ nhập ồ ạt lượng lớn hàng hóa rồi bán trong nội địa để trốn thuế và chủ doanh nghiệp sẽ bỏ trốn. Chiêu thức thứ hai là thành lập nhiều “doanh nghiệp ma” để gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình điều tra, xử lý.

Cục Kiểm tra sau thông quan mới đây tiến hành kiểm tra sơ bộ bước đầu đối với 30 doanh nghiệp đã phát hiện 2 doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm xuất xứ, 5 doanh nghiệp có dấu hiệu trốn thuế.

Tin bài liên quan