Thời điểm để dịch chuyển số
“Nhóm các nước ASEAN mới nổi bắt đầu cuộc khủng hoảng trong thế bất lợi, Covid-19 đã làm bộc lộ những điểm yếu và làm tăng thách thức của họ”. Đó là nhận định của ông Bruce Delteil, Phó tổng giám đốc McKinsey & Company tại buổi Tọa đàm trực tuyến “Nền kinh tế ASEAN hậu Covid-19” diễn ra giữa tuần này. Đây là hoạt động chuẩn bị cho Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2020, với chủ đề “Dịch chuyển số” sẽ diễn ra ngày 25/11 tới.
Covid-19 ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia, nhưng thời gian, mức độ gián đoạn và khả năng ứng phó của các quốc gia lại khác nhau đáng kể. Theo ông Bruce Delteil, các quốc gia phát triển thường có nền tảng vững chắc để phục hồi sau đại dịch.
Vị chuyên gia đến từ McKinsey cho rằng, 4 vấn đề mà các quốc gia ASEAN cần thúc đẩy sau đại dịch là tạo điều kiện cho việc đào tạo lại kỹ năng của người lao động, thúc đẩy hơn nữa ứng dụng công nghệ 4.0, đầu tư vào hạ tầng và năng lượng sạch, tận dụng kỹ thuật số để thúc đẩy hệ thống y tế.
“Những xu hướng này có thể là động lực tăng trưởng của ASEAN trong những năm tới”, ông Bruce Delteil nói.
Trong 4 khuyến nghị của McKinsey, một nửa trong số đó liên quan tới công nghệ. Có thể nói, “dịch chuyển số” đang được xem là chìa khóa giúp các quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam vượt lên trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
“Bây giờ là thời khắc để chuẩn bị hành trang cho tương lai. Trong cái rủi có cái may, rất có thể đại dịch sẽ thôi thúc doanh nghiệp cạnh tranh một cách bền vững hơn tại Việt Nam và trên trường quốc tế”, TS. Burkhard Schrage, Chủ nhiệm bộ môn quản trị, Đại học RMIT Việt Nam đánh giá.
Hút vốn vào đổi mới sáng tạo
Việt Nam đang được đánh giá cao về các điều kiện phát triển kinh tế, thương mại và có thể đạt được những bước tiến đáng kể trong thập kỷ tới, được coi là điểm đến của các nhà đầu tư quốc tế trong cả đầu tư FDI và đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.
Theo nhận định của Quỹ đầu tư Do Venture, trong năm 2019, đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam đã tăng đáng kể so với năm 2018.
Ban tổ chức Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam cho biết, năm 2019, sự kiện này đã thu hút hơn 130 quỹ đầu tư quốc tế và hơn 70 quỹ đầu tư trong nước tham dự; hơn 600 lượt doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia chương trình tại Hà Nội và TP.HCM, hơn 40 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, ươm tạo doanh nghiệp tại Việt Nam tham dự.
18 quỹ đầu tư trong nước và quốc tế đã cam kết tổng giá trị đầu tư 425 triệu USD vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam trong giai đoạn 2019 - 2021. Cho đến nay, số tiền đầu tư của các quỹ vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đã đạt trên 50% số vốn cam kết, bất chấp ảnh hưởng của Covid-19.
Do Venture cho biết, đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam trong nửa đầu năm 2020 đạt 222 triệu USD. Mặc dù so với cùng kỳ 2019, giá trị vốn đầu tư cho khởi nghiệp giảm 22%, nhưng quỹ này dự báo, tiềm năng về đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam vẫn còn rất cao.
Khảo sát với 50 quỹ đầu tư trong khu vực, Việt Nam được coi là điểm đến hàng đầu khu vực ASEAN. Những lĩnh vực các quỹ đánh giá sẽ có sức hút đầu tư là giáo dục, chăm sóc sức khỏe và tài chính.
Theo đánh giá của Quỹ đầu tư VinaCapital, nếu như Việt Nam có thể tạo môi trường thu hút đầu tư thuận lợi và áp dụng đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, thu nhập bình quân đầu người Việt Nam sẽ tăng gấp 3 lần trong vòng 10 năm tới. “Đặc biệt, FDI cùng với đầu tư mạo hiểm sẽ tạo ra thế hệ các doanh nghiệp nội địa có trình độ cao, có hạ tầng công nghệ, kỹ thuật hiện đại và tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, báo cáo của VinaCapital nhận định.
Do đó, theo Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đây là thời điểm thích hợp để tiếp tục kết nối các nhà đầu tư, các quỹ tài chính và các chủ thể hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong khu vực nhằm mở rộng các cơ hội hợp tác, đầu tư cho doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời cũng khẳng định sự chủ động trong thu hút đầu tư đổi mới sáng tạo của Chính phủ trong bối cảnh hậu Covid-19.