Việt Nam đang tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do để gia tăng xuất khẩu. Ảnh: Đức Thanh

Việt Nam đang tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do để gia tăng xuất khẩu. Ảnh: Đức Thanh

“Nhanh chân” tận dụng FTA để trợ lực cho xuất khẩu

0:00 / 0:00
0:00
Với 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, trải rộng 60 thị trường lớn, là đòn bẩy quan trọng cho xuất khẩu. Các doanh nghiệp Việt được khuyến khích “nhanh chân” tận dụng FTA để đạt lợi ích nhiều hơn.

Nhiều lợi ích nhờ các FTA

Việt Nam là quốc gia duy nhất ký kết FTA và tham gia cơ chế hợp tác đa phương với các đối tác kinh tế lớn như Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Nga..., góp phần tạo vị thế thương mại cho hàng hóa tăng tốc xuất khẩu.

Trong bối cảnh khó khăn do suy giảm kinh tế toàn cầu, các thị trường giảm mua hàng, doanh nghiệp cần tích cực tận dụng FTA để có lợi hơn nhờ thuế giảm theo cam kết với từng ngành hàng, tăng sức cạnh tranh với hàng xuất khẩu của các quốc gia khác.

Là doanh nghiệp xuất khẩu nông sản chế biến và rau quả tươi, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) đang có được nhiều lợi ích nhờ hệ thống 15 FTA đang thực thi do được ưu đãi thuế quan 0% với các lô hàng xuất khẩu đi Nhật, EU, Trung Quốc, ASEAN…

Theo ông Đinh Gia Nghĩa, Phó tổng giám đốc Doveco, 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu của doanh nghiệp tăng 140% so với cùng kỳ. Rau quả tươi và chế biến đang có lợi khi vào các thị trường với thuế 0%, nhờ các FTA và doanh nghiệp đáp ứng tốt xuất xứ hàng hóa, với gần như 100% lô hàng xuất khẩu đều được cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) để hưởng ưu đãi thuế từ các thị trường.

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sử dụng các loại C/O đạt gần 80 tỷ USD, nghĩa là, trong 371,3 tỷ USD hàng xuất khẩu, có 80 tỷ USD được ưu đãi thuế, tăng 13% so với năm 2021. Mục tiêu gia tăng lượng hàng hóa được cấp C/O xuất khẩu đang được các ngành hàng và doanh nghiệp đưa vào tầm ngắm.

Có thể nói, 15 FTA có hiệu lực đã góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu, củng cố thị trường truyền thống, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các thị trường tiềm năng trên thế giới. Ở tất cả các thị trường Việt Nam có FTA đều ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu vượt trội, năm sau cao hơn năm trước.

Dữ liệu của Bộ Công thương cho biết, năm 2022 là năm đầu tiên tất cả 15 FTA được thực thi, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam với các thị trường đối tác FTA đạt 526 tỷ USD, chiếm 72% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với toàn thế giới. Trong đó, xuất khẩu đạt 238 tỷ USD, chiếm gần 64% tổng kim ngạch xuất khẩu.

“Điều đó cho thấy, phần lớn dòng chảy thương mại của hàng Việt Nam là với các đối tác FTA. Thương mại với các thị trường này là một động lực lớn cho tăng trưởng sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế nước ta”, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) nhận định.

Đơn cử, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đến tháng 8/2023 mới tròn 3 năm thực thi, nhưng FTA này đã tạo xung lực cho doanh nghiệp xuất khẩu sang EU cực lớn, tỷ lệ hưởng ưu đãi thuế quan cũng cao hơn một số FTA khác.

Báo cáo kết quả Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý II/2023 được Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam) công bố mới nhất cho hay, hơn một nửa số doanh nghiệp được khảo sát cho biết, họ hưởng lợi từ EVFTA, với tỷ lệ 35% lãnh đạo doanh nghiệp EU nói rằng đã thu được lợi ích từ việc cắt giảm thuế quan từ FTA này.

Gia tăng thách thức thực thi

Tận dụng ưu đãi thuế quan của FTA năm 2022 đạt gần 80 tỷ USD, tương đương 33,6% tổng kim ngạch xuất khẩu đi các thị trường có FTA. Trong so sánh với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, đây là tỷ lệ khá lạc quan.

Tuy nhiên, soi chiếu kỹ hơn, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường có FTA như EVFTA, CPTPP, UKVFTA… mới chiếm khoảng 2% tổng kim ngạch nhập khẩu của các thị trường này, nên còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp khai thác.

Ông Lương Hoàng Thái cho rằng, kim ngạch xuất nhập khẩu theo các FTA thế hệ mới đã vượt các FTA truyền thống, cho thấy hướng đi đúng trong việc đa dạng hóa thị trường. Nhưng xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế đang có những vấn đề mới nổi lên với các tiêu chuẩn, quy định về bảo vệ môi trường, kỹ thuật số, năng lượng sạch…, buộc doanh nghiệp Việt phải tuân thủ.

Thực tế, nhiều FTA thế hệ mới với các thị trường lớn như EU, CPTPP đều có các cam kết rất cao trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển bền vững.

Chẳng hạn, với EU, dù đã có EVFTA, nhưng thị trường này liên tục đặt ra các tiêu chuẩn ngặt nghèo hơn với hàng nhập khẩu. Từ hàng nông - thủy sản đến dệt may, giày dép, EU tiếp tục bổ sung các quy định mới nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, cũng như yêu cầu về sản xuất xanh, bền vững, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, Việt Nam chưa có sự chủ động, chuẩn bị đầy đủ năng lực nhằm tận dụng tốt nhất các FTA và hội nhập kinh tế hiệu quả. Trong khi đó, thế giới đang đứng trước những thay đổi toàn diện về địa chính trị, kinh tế, thương mại, cạnh tranh giữa các nước lớn, cùng với xu thế tất yếu của kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo, giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (Net Zero).

“Những yêu cầu tất yếu này đặt ra cho các bộ, ngành, doanh nghiệp xác định cách tiếp cận phù hợp, biến thách thức thành lợi thế, cơ hội phát triển", Phó thủ tướng chỉ đạo.

Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN là những thị trường dẫn đầu về nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam có tỷ lệ cao sử dụng ưu đãi FTA trong năm 2022.

C/O ưu đãi (mẫu E và RCEP) cấp cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đứng đầu, với trị giá hơn 17 tỷ USD. Tiếp đó là 13,34 tỷ USD C/O mẫu D cấp cho hàng hóa xuất khẩu sang các nước ASEAN. Đứng thứ 3 và thứ 4 lần lượt là Hàn Quốc (C/O mẫu AK, VK và RCEP) với 12,4 tỷ USD và Liên minh châu Âu (C/O mẫu EUR.1) với 12,1 tỷ USD.

Nguồn: Bộ Công thương

Tin bài liên quan