Giữa năm 2013, Phòng An ninh tài chính tiền tệ và đầu tư (PA84) – Công an TP. Hà Nội nhận được đơn của Ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên HSBC tố cáo Cao Thị Anh (SN 1981, ở quận Đống Đa, Hà Nội, nhân viên tín dụng) liên kết với trưởng phòng kế toán, giám đốc các công ty tư nhân cung cấp thông tin không có thật trên thư xác nhận của công ty cho cá nhân mở thẻ tín dụng và vay tín chấp.
Những công ty xác nhận khống cho các cá nhân làm thủ tục vay tiền dẫn đến nợ xấu ngân hàng bao gồm Công ty cổ phần Đầu tư và xuất nhập khẩu Minh Quang, Công ty cổ phần Biển Bạc, Công ty cổ phần Đầu tư Acom.
Theo cáo buộc, từ năm 2007, Cao Thị Anh là nhân viên Phòng thanh toán và chuyển tiền. Đến tháng 9/2012, bị cáo được bổ nhiệm làm chuyên viên tín dụng Khối dịch vụ tài chính cá nhân và quản lý tài sản.
Vào năm 2012, HSBC triển khai chương trình cho vay tiêu dùng với hình thức cho vay tín chấp và phát hành thẻ tín dụng. Ngân hàng quy định các điều kiện, thủ tục cụ thể là cho vay với cá nhân sinh sống và làm việc tại 13 tỉnh thành như TP. HCM, Hà Nội, Cần Thơ, Bình Dương… Đối với công ty có quan hệ tín dụng với HSBC, thu nhập khách hàng phải tối thiểu từ 5 triệu đồng trở lên và 1 năm công tác. Đối với công ty không ưu tiên, thu nhập khách hàng phải tối thiểu từ 8 triệu đồng trở lên và phải sao kê bản chính tài khoản ngân hàng thể hiện được thu nhập 3 tháng gần nhất.
Tùy theo thu nhập và yêu cầu, HSBC sẽ quyết định hạn mức vay tối đa 10 lần thu nhập của khách hàng tại thời điểm xét duyệt.
Trong quá trình làm việc, Cao Thị Anh biết rõ ngân hàng quy định rất chặt chẽ các điều kiện cho vay với hình thức này. Tuy nhiên, bị cáo phát hiện thấy nhiều cá nhân không đủ điều kiện mở thẻ nhưng có nhu cầu vay tín chấp. Để đạt chỉ tiêu, tiền thưởng, Cao Thị Anh lợi dụng mối quan hệ quen biết với các công ty tư nhân nhờ xác nhận chức vụ, mức lương khống.
Chỉ trong vòng 2 tháng (từ tháng 1-3/2013), Cao Thị Anh đã mở thẻ cho 15 cá nhân không đủ điều kiện vay tiền và hiện không có khả năng trả nợ, khiến HSBC bị thất thoát 1,7 tỷ đồng.
Cụ thể, Công ty cổ phần Biển Bạc làm thủ tục cho 6 cá nhân không phải người của Công ty, hạn mức thẻ từ 20 - 49,5 triệu đồng, vay tín chấp số tiền 915 triệu đồng. Hiện còn dư nợ số tiền 794 triệu đồng.
Trong quá trình điều tra, Cao Thị Anh khai nhận do công ty xác nhận chức vụ, mức lương cho 6 khách hàng trên nên bị cáo làm thủ tục mở thẻ tín dụng và cho vay. Tuy nhiên, các tài liệu chứng từ thể hiện, đầu năm 2013, do bị ép hoàn thành chỉ tiêu, Cao Thị Anh quen biết các cá nhân trên và biết họ có nhu cầu vay tiền. Bị cáo yêu cầu họ cung cấp chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, hóa đơn điện nước… làm hồ sơ. Sau đó, Cao Thị Anh nhờ kế toán trưởng Công ty Biển Bạc giúp đóng dấu công ty, chức danh trên mẫu thư xác nhận của công ty.
Tương tự, Cao Thị Anh nhờ bạn làm tại Công ty cổ phần Đầu tư Acom xác nhận, làm thủ tục cho 13 cá nhân không phải người công ty mở thẻ tín dụng, vay 980 triệu đồng. Trong đó, lời khai của 9 khách hàng khẳng định, họ không phải nhân viên công ty, hồ sơ mở thẻ tín dụng và vay tín chấp, xác nhận chức vụ, mức lương do Cao Thị Anh làm giúp. Họ chỉ việc ký vào đơn đề nghị mở thẻ tín dụng và vay tiêu dùng cá nhân. Họ được Cao Thị Anh dặn, khi nào nhân viên HSBC gọi điện thẩm định phải nói là nhân viên Công ty Acom, chức vụ, mức lương như thông tin trong hồ sơ.
Ngoài ra, ngân hàng cung cấp hồ sơ 26 người được Công ty cổ phần Đầu tư và xuất nhập khẩu Minh Quang xác nhận chức vụ, mức lương làm thủ tục mở thẻ, vay tín chấp ngân hàng. Tuy nhiên Giám đốc Công ty là Nguyễn Tuấn Sơn đã bỏ trốn, Cao Thị Anh không thừa nhận nên cơ quan điều tra tách tài liệu tiếp tục điều tra, xử lý sau.
Ngày 19/4, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử đối với Cao Thị Anh về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, phiên tòa phải tạm hoãn do vắng mặt bị cáo. Phía ngân hàng cũng có đơn xin hoãn phiên tòa.