Phố Wall giảm mạnh do thông tin kinh tế không tích cực - Ảnh: Reuters

Phố Wall giảm mạnh do thông tin kinh tế không tích cực - Ảnh: Reuters

Nhận tin xấu, giới đầu tư chứng khoán thi nhau bán tháo

(ĐTCK) Thông tin về dữ liệu yếu kém của Đức, cùng việc IMF hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu khiến giới đầu tư chứng khoán đồng loạt bán tháo, đẩy chứng khoán toàn cầu lao dốc trong phiên 7/10.

Theo dữ liệu được công bố, sản lượng công nghiệp của Đức trong tháng 9 giảm 4%, mức giảm lớn nhất trong 5 năm rưỡi. Số liệu này là cú bồi thêm của dữ liệu yếu kém được công hôm trước: đơn đặt hàng mới trong tháng 9 giảm xuống mức thấp nhất kể từ 2009.

Trong khi đó, IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm nay xuống 3,3% từ mức 3,4% đưa ra trước đó.

Những thông tin trên đã tác động mạnh tới giới đầu tư chứng khoán toàn cầu, trong đó có phố Wall. Hoạt động bán tháo đã xảy ra, kéo các chỉ số chính của phố Wall giảm hơn 1,5% trong phiên 7/10.

Bên cạnh đó, thông tin Chính phủ Mỹ đưa ra quyết định phạt các ngân hàng lớn với cáo buộc thao túng lãi suất liên ngân hàng cũng tác động xấu tới phố Wall.

Kết thúc phiên 7/10, chỉ số Dow Jones giảm 272,52 điểm (-1,60%), xuống 16.719,39 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 29,72 điểm (-1,51%), xuống 1.935,10 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 69,60 điểm (-1,56%), xuống 4.385,20 điểm.

Dĩ nhiên, là nơi khởi nguồn của các thông tin không tích cực, chứng khoán châu Âu cũng lao dốc mạnh trong phiên 7/10 với mức hơn 1% ở các chỉ số chính. Trong đó, chứng khoán Pháp còn giảm tới hơn 1,8%.

Kết thúc phiên 7/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 68,07 điểm (-1,04%), xuống 6.495,58 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 123,30 điểm (-1,34%), xuống 9.086.21 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 77,38 điểm (-1,81%), xuống 4.209,14 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản giảm trở lại sau tuyên bố của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) không có thêm chính sách hỗ trợ như dự báo. Trong khi chứng khoán Hồng Kông tiếp tục phản ứng tích cực với diễn biến của cuộc biểu tình đang lắng dịu.

Kết thúc phiên 7/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 107,12 điểm (-0,67%), xuống 15.783,83 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 107,48 điểm (+0,46%), lên 23.422,52 điểm. Chứng khoán Trung Quốc đại lục vẫn nghỉ lễ Quốc khánh Trung Quốc.

Với những thông tin không mấy khả quan trên của nền kinh tế, dĩ nhiên giá vàng được hưởng lợi. Tuy nhiên, đà tăng của kim loại quý này trong phiên thứ Ba đã được hãm bớt rất nhiều so với phiên đầu tuần.

Kết thúc phiên 7/10, giá vàng giao ngay tăng 1,50 USD (+0,12%), lên 1.208,30 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 tăng 5,10 USD (+0,42%), lên 1.212,4 USD/ounce.

Những thông tin kinh tế không tích cực khiến giá dầu giảm mạnh trở lại chỉ sau phiên hồi nhẹ đầu tuần. Dữ liệu kinh tế yếu kém cho thấy nhu cầu loại nhiên liệu này sẽ không lớn, trong khi nguồn cung vẫn khá dồi dào. Giá dầu thô Mỹ giảm xuống gần mức đáy 88,15 USD, trong khi dầu thô Brent cũng chạm mức thấp nhất từ 2012.

Kết thúc phiên 7/10, giá dầu thô Mỹ giảm 1,49 USD (-1,68%), xuống 88,85 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,68 USD (-0,74%), xuống 92,11 USD/thùng.

Tin bài liên quan