Giới đầu tư phố Wall nhận tin vui từ Fed (Ảnh minh họa: AFP)

Giới đầu tư phố Wall nhận tin vui từ Fed (Ảnh minh họa: AFP)

Nhận tin tốt từ Fed và BOJ, chứng khoán, vàng, dầu đua nhau khởi sắc

(ĐTCK) Thông tin tích cực từ các cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) giúp chứng khoán, giá vàng và dầu thô đồng loạt tăng mạnh.

Đúng như dự đoán, Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp vừa kết thúc rạng sáng nay (22/9) theo giờ Việt Nam.

Sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, kết thúc vào chiều ngày 21/9   theo giờ Mỹ, tức rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, Ủy ban Thị trường mở (FOMC) thuộc Fed đã quyết định giữ nguyên mức lãi suất 0,25 - 0,5%/năm như hiện nay.

Có vẻ như các nhà hoạch định chính sách của Fed đang có những bất đồng về chính sách tiền tệ. Tuyên bố sau cuộc họp, Chủ tịch Fed khu vực Kansas City, Cleveland và Boston nói rằng, họ ủng hộ việc tăng lãi suất.

Dù giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp lần này, nhưng Fed để ngỏ khả năng sẽ tăng vào cuối năm khi thị trường lao động ổn định vững chắc hơn.

Phát biểu sau cuộc họp, bà Janet Yellen, Chủ tịch Fed cho biết, tăng trưởng của Hoa Kỳ đang mạnh mẽ hơn và lãi suất tăng là điều cần thiết để giữ cho nền kinh tế không tăng trưởng quá nóng, thúc đẩy lạm phát gia tăng.

Tuy nhiên, đó là câu chuyện của 3 tháng tới, còn hiện tại, sau thông tin Fed giữ nguyên lãi suất, giới đầu tư đã trút bỏ hết những ái ngại để mạnh dạn giải ngân, giúp phố Wall vọt tăng mạnh trong phiên thứ Tư.

Kết thúc phiên 21/9, chỉ số Dow Jones tăng 163,74 điểm (+0,90%), lên 18.293,70 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 23,36 điểm (+1,09%), lên 2.163,12 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 53,83 điểm (+1,03%), lên 5.295,18 điểm.

Trong khi đó, do đóng cửa trước khi cuộc họp của Fed kết thúc, nên tâm lý chờ đợi, thận trọng vẫn còn, khiến chứng khoán châu Âu chỉ có được mức tăng nhẹ trong phiên thứ Tư, dù thị trường chứng khoán khu vực tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tích cực của nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Kết thúc phiên 21/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 3,98 điểm (+0,06%), lên 6.834,77 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 42,63 điểm (+0,41%), lên 10.436,49 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 20,95 điểm (+0,48%), lên 4.409,55 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) giữ nguyên lãi suất âm 0,1%, nhưng cho biết, sẽ xem xét lại chính sách tiền tệ của mình, có khả năng giảm bớt áp lực cho các ngân hàng và công ty bảo hiểm đã giúp chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh 2% trong phiên thứ Tư, mức tăng mạnh nhất kể từ 29/8. Giới đầu tư cũng kỳ vọng BOJ sẽ mua đa dạng hơn tài sản, ngoài các quỹ ETFs.

Thông tin từ BOJ cũng giúp chứng khoán Hồng Kông tăng khá tốt trong phiên thứ Tư, nhưng đà tăng không mạnh như chứng khoán Nhật Bản khi giới đầu tư vẫn đang hướng sự chú ý vào cuộc họp của Fed.

Kết thúc phiên 21/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 315,47 điểm (+1,91%), lên 16.807,62. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 139,04 điểm (+0,59%), lên 23.669,90 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 2,87 điểm (+0,10%), lên 3.025,87 điểm.

Thông tin Fed giữ nguyên lãi suất đã khiến đồng USD giảm mạnh, hỗ trợ tích cực cho giá vàng. Ngoài ra, thông tin tích cực từ BOJ cũng góp phần hỗ trợ cho giá kim loại quý tăng vọt trong phiên thứ Tư sau 4 phiên lình xình trước đó.

Kết thúc phiên 21/9, giá vàng giao ngay tăng 20,3 USD (+1,54%), lên 1.334,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 13,2 USD (+1,0%), lên 1.331,4 USD/ounce.

Ngoài việc đồng USD giảm, giá dầu thô còn nhận được thông tin hỗ trợ tích cực khác là do dự trữ dầu thô của Mỹ giảm tới 6,2 triệu thùng trong tuần trước, theo EIA, cao hơn nhiều con số 3,4 triệu thùng của giới phân tích theo cuộc thăm dò của Reuters.

Ngoài ra, cuộc bãi công của các công nhân dầu mỏ tại Na Uy cũng hỗ trợ đắc lực cho giá dầu thô, giúp giá nhiên liệu này tăng mạnh gần 3% trong phiên thứ Tư.

Kết thúc phiên 21/9, giá dầu thô Mỹ tăng 1,29 USD/thùng (+2,85%), lên 45,34 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,95 USD (+2,03%), lên 46,83 USD/thùng.

Tin bài liên quan