Thứ Sáu, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo chi tiết cho biết, nền kinh tế Mỹ tạo thêm được 49.000 việc làm trong tháng 1 và tỷ lệ thất nghiệp giảm 0,4 điểm phần trăm, từ 6,7% xuống còn 6,3%.
Kết quả trên thấp hơn kỳ vọng của giới phân tích và khẳng định quan điểm, sự phục hồi trên thị trường việc làm đang giảm tốc trong bối cảnh đại dịch vẫn ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Mỹ. Khoảng 10 triệu việc làm bị mất trong giai đoạn đầu của đại dịch vẫn chưa thể trở lại.
Trong bài phát biểu về thực trạng nền kinh tế Mỹ tại Nhà Trắng ngày 5/2, Tổng thống Joe Biden đã trích dẫn báo cáo trên nhằm thúc đẩy kế hoạch cứu trợ Covid-19.
Ông Biden cũng cho rằng Mỹ sẽ không phục hồi đầy đủ việc làm cho đến năm 2025 nếu quốc hội không hành động theo gói cứu trợ mà ông đã đề xuất. Nhà lãnh đạo Mỹ đồng thời bác lập luận của các thành viên đảng Cộng hòa cho rằng đề xuất 1.900 tỷ USD của Nhà Trắng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thâm hụt ngân sách của chính phủ liên bang.
Cùng ngày, sau khoảng 15 giờ tranh luận và bỏ phiếu về hàng chục sửa đổi, gói cứu trợ 1.900 tỷ USD đã qua được ải Thượng viện Mỹ nhờ lá phiếu Phó Tổng thống Kamala Harris. Sau đó vài giờ, Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát cũng thông qua gói cứu trợ trên.
Mặt khác, Johnson & Johnson hôm thứ Sáu thông báo, hãng đã nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc-xin Covid-19 chỉ cần tiêm một mũi của mình. Sớm nhất là vào tháng Ba, người Mỹ có thể được tiêm chủng vắc-xin này.
Trong khi đó, số ca nhập viện tại Mỹ vì nhiễm Covid-19 tiếp tục giảm xuống còn 88.668 ca vào hôm 4/2, thấp nhất kể từ ngày 24/11. Tuy nhiên, cũng trong ngày 4/2 số ca tử vong lần đầu tiên tăng vọt lên trên 5.000 ca, trong khi những ngày trước đi theo xu hướng giảm dần.
Về dữ liệu kinh tế khác, Bộ Thương mại Mỹ hôm thứ Sáu công bố báo cáo, thâm hụt thương mại của nước này trong năm 2020 đã tăng 17,7% lên 678,7 tỷ USD. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2008, ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 làm gián đoạn luồng hàng hóa và dịch vụ. Bên cạnh đó, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ trong năm qua giảm 15,7% xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010. Nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ cũng giảm 9,5% xuống mức thấp nhất trong 4 năm qua.
Kết thúc phiên 5/2, chỉ số Dow Jones tăng 9,38 điểm (+0,30%), lên 31.148,24 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 15,09 điểm (+0,39%), lên 3.886,63 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 78,55 điểm (+0,57%), lên 13.856,30 điểm.
Trong tuần, Dow Jones tăng 3,89%, S&P 500 tăng 4,65%, Nasdaq Composite tăng 6,01%.
Chứng khoán châu Âu đi ngang trong phiên ngày thứ Sáu, ảnh hưởng từ dữ liệu kinh tế không mấy lạc quan từ Mỹ và tại Đức.
Số lượng đơn đặt hàng đối với hàng hóa do Đức sản xuất trong tháng 12 giảm nhiều hơn dự kiến, kết thúc chuỗi 7 tháng tăng tích cực do các biện pháp hạn chế mới được áp đặt nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19, làm giảm nhu cầu từ các nước khác trong khu vực đồng euro.
Kết thúc phiên 5/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 14,39 điểm (-0,22%), xuống 6.489,33 điểm. Chỉ số DAX tại giảm 3,57 điểm (-0,03%), xuống 14.056,72 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 50,72 điểm (+0,90%), lên 5.569,26 điểm.
Tính chung cả tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 1,28%, chỉ số DAX tăng 4,64% và CAC40 tăng 4,28%.
Chứng khoán châu Á thêm một phiên biến động nhẹ trong bối cảnh giới đầu tư vẫn thận trọng quan sát xung quanh gói kích thích 1.900 USD tại Mỹ và dòng tiền suy giảm, khi một số nước chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ tết cổ truyền.
Kết thúc phiên 5/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 437,24 điểm (+1,54%), lên 28.779,19 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 5,53 điểm (-0,16%), xuống 3.496,33 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 175,18 điểm (+0,60%), lên 29.288,68 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 33,08 điểm (+1,07%), lên 3.120,63 điểm.
Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 4,03%, chỉ số Shanghai Composite tăng 0,38%, chỉ số Hang Seng tăng 3,55% và chỉ số KOSPI tăng 4,85%.
Giá vàng thế giới phiên ngày thứ Sáu hồi phục nhờ đồng USD yếu đi và lực mua bắt đáy xuất hiện sau phiên bán tháo ngày thứ Năm trước đó.
Kết thúc phiên 5/2, giá vàng giao ngay tăng 21,30 USD (+1,19%), lên 1.815,20 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 3 tăng 21,60 USD (+1,21%), lên 1.811,90 USD/ounce.
Trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 1,8%, Giá vàng tương lai giao tháng 3 giảm 2%.
Trong khảo sát về giá vàng tuần tới của Kitco với 14 chuyên gia trên phố Wall, 9 người dự báo vàng sẽ tăng giá, 4 người cho rằng giá vàng giảm và như vậy có 1 dự báo giá vàng sẽ đi ngang.
Đối với khảo sát trực tuyến với 1.823 người tham gia, 48% tin rằng giá vàng sẽ tăng, 31% cho rằng giá vàng giảm và 21% có quan điểm giá vàng sẽ ít thay đổi.
Giá dầu tiếp tục tăng trong phiên cuối tuần, đạt mức cao nhất trong vòng một năm qua nhờ những hy vọng phục hồi kinh tế và việc hạn chế nguồn cung của OPEC+. OPEC+ duy trì chính sách thắt chặt nguồn cung tại cuộc họp trong ngày 3/2.
Kết thúc phiên 5/2, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,62 USD (+1,09%), lên 56,85 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,50 USD (+0,84%), lên 59,34 USD/thùng.
Trong tuần, dầu WTI tăng 8,6%, dầu Brent tăng 7,2%.