Theo dữ liệu mới công bố, GDP trong quý III/2014 của Mỹ tăng 3,5%, mức cao hơn mong đợi. Một báo cáo khác cho biết, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng nhẹ trong tuần trước, nhưng theo thước đo cơ bản, xu hướng tăng của thất nghiệp đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 5/2000.
Thêm một thông tin tích cực khác khi một nguồn tin của Nikkei cho biết, Quỹ hưu trí trị giá 1,1 tỷ USD của Chính phủ Nhật Bản có thể cắt giảm đầu tư vào trái phiếu để tăng tỷ trọng đầu tư vào cổ phiếu cả trong và ngoài nước.
Một thông tin tích cực khác là cho tới thời điểm này, trong số doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính quý III, có tới 75% số doanh nghiệp có lợi nhuận vượt dự báo, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình 63% của 20 năm, theo Thomson Reuters.
Những thông tin tích cực trên đã giúp phố Wall hồi phục mạnh mẽ trở lại trong phiên thứ Năm. Chỉ số Dow Jones đã vượt qua được mốc 17.000 và S&P 500 cũng sắp chinh phục lại được mốc 2.000 và tiến tới mức đỉnh được thiết lập hồi giữa tháng 9.
Một sự việc đáng chú ý diễn ra trong phiên giao dịch thứ Năm trên phố Wall là sự côs mất điện đột ngột khiến kết nối của NYSE bị gián đoạn trong 10 phút. Tuy nhiên, sự cố này không mấy ảnh hưởng tới giao dịch của thị trường khi các chỉ số vẫn duy trì được đà tăng mạnh với thanh khoản ổn định sau đó.
Kết thúc phiên 30/10, chỉ số Dow Jones tăng 221,11 điểm (+1,30%), lên 17.195,42 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 12,35 điểm (+0,62%), lên 1.994,65 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 16,91 điểm (+0,37%), lên 4.566,14 điểm.
Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Âu, diễn biến các chỉ số chính trong phiên vẽ nên hình chiếc võng. Các chỉ số mở cửa với mức tăng nhẹ, sau đó giảm điểm mạnh do ảnh hưởng với lực bán tháo cổ phiếu của các doanh nghiệp phục vụ cho ngành dầu khí khi giá dầu sụt giảm.
Về nửa cuối phiên, sau thông tin khả quan phát ra bên kia bờ Đại Tây Dương, cùng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết khả quan được công bố, các chỉ số chính của chứng khoán châu Âu hồi dần và đóng cửa trong sắc xanh.
Các công ty lớn vừa công bố kết quả quý III khả quan là Renault, ASM International, Alcatel - Lucent… Còn tính chung, trong số 36% công ty niêm yết trên STOXX Europe 600 công bố kết quả kinh doanh đến nay, có 67% có lợi nhuận vượt dự báo, 59% có doanh thu trên kỳ vọng.
Kết thúc phiên 30/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 9,68 điểm (+0,15%), lên 6.463,55 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 32,03 điểm (+0,35%), lên 9.114,84 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 30,60 điểm (+0,74%), lên 4.141,24 điểm.
Một thông tin khác có tác động tới chứng khoán châu Âu là hôm thứ Năm, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết, đã chọn Deutsche Bank, ING, State Street và Amundi để giúp thực hiện mua chứng khoán hóa nợ tư nhân, trong đó dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 11 như là một phần quan trọng của các biện pháp kích cầu để ngăn chặn giảm phát.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, ngoài dữ liệu tích cực từ Mỹ được đưa ra trước đó, thông tin về Quỹ hưu trí của Chính phủ Nhật Bản tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục giúp chứng khoán Nhật Bản duy trì đà tăng. Trong khi đó, giới đầu tư trên thị trường chứng khoán Hồng Kông lại bán mạnh cổ phiếu sau khi một số công ty công bố kết quả kinh doanh quý III không như kỳ vọng.
Kết thúc phiên 30/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 104,29 điểm (+0,67%), lên 15.658,20 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 117,83 điểm (-0,49%), xuống 23.702,04 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục tăng 18,05 điểm (+0,76), lên 2.391,08 điểm.
Trong khi chứng khoán hưng phấn trở lại sau phiên phản ứng với quyết định chấm dứt gói kích thích kinh tế của FED, thì giá vàng vẫn chịu áp lực giảm giá. Ngoài việc dòng tiền đầu cơ bị rút bớt ra khỏi thị trường, thì việc đồng USD tăng mạnh sau quyết định của FED cũng tác động không tốt lên giá vàng, khiến giá kim loại quý này giảm hơn 1% trong phiên thứ Năm, mất luôn mốc 1.200 USD/ounce.
Kết thúc phiên 30/10, giá vàng giao ngay giảm 12,80 USD (-1,05%), xuống 1.198,8 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 26,3 USD (-2,15%), xuống 1.198,6 USD/ounce.
Bất chấp dữ liệu kinh tế được công bố khả quan, nhưng giá dầu đã bị đẩy mạnh trở lại sau 2 phiên hồi phục. Giá dầu trong giai đoạn hiện nay thường có những phiên hồi nhẹ, nhưng khi giảm thì có mức giảm khá mạnh.
Kết thúc phiên 30/10, giá dầu thô trên thị trường Mỹ giảm 1,08 USD (-1,33%), xuống 81,12 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,88 USD (-1,02%), xuống 86,24 USD/thùng.