Một lần nữa “tin tốt thành tin xấu” lại xảy ra với giới đầu tư. Dữ liệu được nhiều nhà đầu tư chờ đợi nhất là bảng lương phi nông nghiệp đã được công bố và tích cực hơn dự đoán rất nhiều.
Báo cáo việc làm được công bố hôm thứ Sáu cho thấy, bảng lương phi nông nghiệp tháng 2 của Mỹ tạo thêm 295.000 việc làm, cao hơn nhiều so với con số dự báo 240.000 của giới phân tích trước đó và cao hơn con số 257.000 trong tháng Giêng. Tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm xuống 5,5%, trong khi tiền lương theo giờ tăng 0,1%.
Ngay khi báo cáo việc làm được công bố, giới đầu tư tăng nỗi lo Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất sớm, nên đồng loạt bán ra, khiến phố Wall có ngày giao dịch tồi tệ nhất trong hơn 1 tháng, trong đó, Dow Jones đóng cửa dưới mức 18.000 điểm lần đầu tiên kể từ ngày 19/2.
"Tin tốt một lần nữa là tin xấu," Gina Martin Adams tại Wells Fargo đánh giá và cho biết, đã có một bước thay đổi nhanh chóng với quyết định tăng lãi suất trong tương lai của Fed. "Cơ hội về khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 6 tăng từ mức 18% lên 25%," cô nói.
Trong khi đó, Cardillo, chuyên gia kinh tế thị trường tại Rockwell Global Capital cho biết, thị trường đang sợ hãi Fed thay đổi quyết định. "Tôi nghĩ hôm nay giới đầu tư đã có phản ứng mạnh mẽ với các dữ liệu việc làm", Cardillo nói.
Chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi của phố Wall đã tăng mạnh trong phiên, lên mức gần 15.
Một thông tin khác, cổ phiếu Apple có thể sẽ gia nhập rổ tính Dow Jones thay cho cổ phiếu AT&T.
Kết thúc phiên 6/3, chỉ số Dow Jones giảm 278,94 điểm (-1,54%), xuống 17.856,78 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 29,78 điểm (-1,42%), xuống 2.071,26 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 55,44 điểm (-1,11%), xuống 4.927,37 điểm.
Trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 1,52%, chỉ số S&P 500 giảm 1,58% và chỉ số Nasdaq giảm 0,73%.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, quyết định trước đó của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) về việc sẽ bơm tiền ra trong đầu tuần sau đã giúp các thị trường chứng khoán khu vực tăng mạnh, lên mức cao nhất 7 năm. Tuy nhiên, về cuối phiên, cùng với thông tin từ Mỹ, các chỉ số trên thị trường chứng khoán châu Âu đã đảo chiều trở lại, trong khi chứng khoán Anh đóng cửa trong sắc đỏ, thì chức khoán Đức và Pháp chỉ còn duy trì mức tăng khiêm tốn.
Kết thúc phiên 6/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 49,34 điểm (-0,71%), xuống 6.911,80 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 46,96 điểm (+0,41%), lên 11.550,97 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 0,84 điểm (+0,02%), lên 4.964,35 điểm.
Trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 0,5%, trong khi chỉ số DAX tăng 1,31% và chỉ số CAC 40 tăng nhẹ 0,26%.
Thông tin từ ECB cũng giúp chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh trong phiên cuối tuần, lên mức cao nhất 15 năm. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục tiếp tục giảm điểm do nỗi lo của nền kinh tế Trung Quốc.
Kết thúc phiên 6/3, chỉ số Nikkei 225 tăng 219,16 điểm (+1,17%), lên 18.971,00 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 29,04 điểm (-0,12%), xuống 24.164,00 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 7,29 điểm (-0,22%), xuống 3.241,19 điểm.
Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,92%, trong khi chỉ số Hang Seng giảm 2,66% và chỉ số Sanghai Composite cũng mất 2,09%.
Trên thị trường vàng, mở cửa phiên cuối tuần, giá vàng đi ngang giống như các phiên trước đó trong tuần, tuy nhiên, ngay khi bước vào phiên giao dịch Mỹ với dữ liệu việc làm tích cực được công bố, làm gia tăng mối lo Fed sẽ tăng lãi suất trong tháng 6 tới khiến giới đầu tư hốt hoảng bán ra, đẩy giá kim loại quý này lao dốc mạnh.
Như vậy, vàng đã có trọn 1 tuần giảm giá, với phiên giảm mạnh nhất trong ngày cuối tuần. Mức hỗ trợ kỹ thuật 1.195 USD/ounce nhanh chóng bị phá vỡ trong phiên bán tháo cuối tuần, xuống mức thấp nhất kể từ ngày 1/12/2014 và đang hướng tới ngưỡng hỗ trợ tiếp theo 1.135 USD/ounce xác lập trong tháng 11/2014.
Câu hỏi đặt ra bây giờ là tâm lý của nhà đầu tư như thế nào nếu giá vàng tiếp tục giảm tiếp trong tuần tới, một tuần khá yên tĩnh với các thông tin kinh tế. Hầu hết các nhà phân tích cho rằng, thị trường sẽ tích lũy vào tuần tới để chuẩn bị cho cuộc họp chính sách của Fed vào ngày 18/3.
Chris Vecchio, chiến lược gia tiền tệ tại DailyFX cho rằng, USD mạnh đang là yếu tố tác động chính tới giá vàng, đẩy giá vàng xuống thấp hơn. Ông hy vọng, điều này sẽ không tiếp tục xảy ra trong tuần tới.
"Giới đầu tư đang hướng sự chú ý vào phía trước với khá năng tăng lãi suất trong tháng 6 của Fed. Giá vàng lao dốc trong phiên cuối tuần cho thấy rằng, niềm tin vào khả năng lãi suất trong tháng 6 khiến đồng USD tăng mạnh ngay bây giờ và tác động tiêu cực tới giá vàng. Vàng là một kênh đầu tư trú ẩn an toàn khi dữ liệu kinh tế kém và điều đó chắc chắn không xảy ra với tình hình hiện tại của Mỹ", Vecchio nói.
Dù việc giảm giá là không thể tránh khỏi, nhưng mức giảm mạnh trong phiên cuối tuần khiến nhiều nhà phân tích ngạc nhiên. George Gero, Phó chủ tịch và chiến lược gia kim loại quý của RBC Capital Markets Global Futures cho biết, ông cũng nhìn thấy sự sụt giảm của giá vàng khi dữ liệu việc làm tích cực được công bố, tuy nhiên, vàng sẽ tìm kiếm được mức hỗ trợ tại mốc 1.170 USD/ounce. Ông cho biết thêm, vàng có thể rơi xuống mức 1.133 USD/ounce để tạo nên mức đáy kỹ thuật mới được xác lập trong tháng 11/2014.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích kỳ vọng, việc giá vàng giảm sâu sẽ kích thích lực cầu bắt đáy, giúp giá kim loại quý này sẽ có những phiên hồi phục kỹ thuật trong tuần tới.
Kết thúc phiên 6/3, giá vàng giao ngay giảm 29,30 USD (-2,45%), xuống 1.168,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 28,0 USD/ounce (-2,34%), xuống 1.168,2 USD/ounce.
Trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 3,71%, giá vàng giao tháng 4 giảm 3,70%.
Tương tự, việc đồng USD tăng mạnh cũng đã ảnh hưởng phần nào tới thị trường dầu thô. Giá dầu thô tiếp tục giảm trong phiên cuối tuần và dù có những phiên tăng tốt trong tuần, nhưng giá loại nhiên liệu này cũng không tránh khỏi tuần giảm giá.
Kết thúc phiên 6/3, giá dầu thô Mỹ giảm 1,15 USD/thùng (-2,27%), xuống 49,61 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,75 USD (-1,26%), xuống 59,73 USD/thùng.
Trong tuần, giá dầu thô Mỹ giảm nhẹ 0,3%, giá dầu thô Brent giảm tới 4,55%.