Đà tăng của phố Wall tiếp tục được duy trì trong phiên thứ Năm, với đà tăng mạnh hơn rất nhiều so với phiên trước đó, giúp S&P 500 có phiên tăng thứ 8 liên tiếp và là phiên thiết lập đỉnh cao lịch sử lần thứ 6 liên tiếp, chuỗi dài nhất kể từ năm 1997.
Phố Wall khởi sắc trong phiên thứ Năm khi giới đầu tư hân hoan với triển vọng về khả năng kế hoạch cải cách thuế của Tổng thống Trump sẽ được sớm thông qua ở Quốc hội, cùng với thỏa thuận về ngân sách.
Chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi của phố Wall sụt giảm mạnh và đóng cửa ở mức thấp kỷ lục 9,19 trong phiên thứ Năm.
Ngoài ra, dù bị ảnh hưởng bởi các cơn bão lớn, nhưng dữ liệu kinh tế của Mỹ vừa công bố tiếp tục khả quan với thâm hụt thương mại thu hẹp trong tháng 8 do xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ lên mức cao nhất 2 năm rưỡi và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm nhiều hơn kỳ vọng trong tuần trước.
Đơn đặt hàng mới cho hàng hóa sản xuất tại Mỹ cũng gia tăng trong tháng 8 và đơn đặt hàng hóa cơ bản mạnh hơn nhiều so với báo cáo trước đó.
Giới đầu tư đang chờ đợi tiếp dữ liệu quan trọng nhất của kinh tế Mỹ là bảng lương phi nông nghiệp tháng 9 sẽ được công bố vào thứ Sáu này.
Kết thúc phiên 5/10, chỉ số Dow Jones tăng 113,75 điểm (+0,50%), lên 22.775,39 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 14,33 điểm (+0,56%), lên 2.552,07 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 50,73 điểm (+0,78%), lên 6.585,36 điểm.
Tương tự, sau nhịp điều chỉnh nhẹ thứ Tư, chứn khoán châu Âu cũng lấy lại đà tăng trong phiên thứ Năm, ngoại trừ chứng khoán Đức bị chậm 1 nhịp do nghỉ giao dịch hôm thứ Ba.
Kết thúc phiên 5/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 40,41 điểm (+0,51%), lên 7.507,99 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 2,47 điểm (-0,02%), xuống 12.968,05 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 15,98 điểm (+0,30%), lên 5.379,21 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong các thị trường chính, chỉ có chứng khoán Nhật Bản giao dịch trong phiên thứ Năm, thị trường chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông nghỉ lễ. Trong phiên thứ Năm, chứng khoán Nhật Bản gần như không đổi khi giới đầu tư thận trọng trước các dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ sẽ được công bố vào ngày cuối tuần.
Kết thúc phiên 5/10, chỉ số số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 1,90 điểm (+0,01%), lên 20.628,56 điểm.
Với những dữ liệu kinh tế khả quan vừa được công bố, khả năng Fed tăng lãi suất lần thứ 3 trong năm ngày càng cao và đồng USD leo lên mức cao nhất 7 tuần, khiến giá vàng nhanh chóng đảo chiều đi xuống sau phiên hồi nhẹ trước đó.
Kết thúc phiên 5/10, giá vàng giao ngay giảm 6,8 USD/ounce (-0,53%), xuống 1.267,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 3,6 USD/ounce (-0,28%), xuống 1.273,2 USD/ounce.
Sau 2 phiên điều chỉnh, giá dầu thô đã tăng vọt trở lại trong phiên thứ Năm sau thông tin Ả Rập Xê út và Nga sẽ hạn chế sản xuất trong năm tới.
Cụ thể, Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa cho biết, OPEC và các nhà sản xuất khác, trong đó có Nga sẽ cam kết cắt giảm sản lượng dầu đến cuối năm 2018, thay vì hết hạn vào tháng 3 năm 2018.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết hôm thứ Năm rằng, Nga sẽ hỗ trợ các nước mới gia nhập thỏa thuận để hạn chế cung cấp dầu.
Tuyên bố này được đưa ra khi Vua Salman của Ả Rập Xê út thăm Nga.
Kết thúc phiên 5/10, giá dầu thô Mỹ tăng 0,81 USD (+1,62%), lên 50,79 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,20 USD (+2,15%), lên 57,00 USD/thùng.