Nhận tín hiệu xấu, giới đầu tư tháo chạy

Nhận tín hiệu xấu, giới đầu tư tháo chạy

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall chìm trong sắc đỏ trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (27/1) sau cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Thứ Tư, mọi con mắt trên thị trường đổ dồn vào cuộc họp chính sách đầu tiên của Fed dưới thời Tổng thống Joe Biden. Như đã được dự đoán, Fed cho biết sẽ duy trì mức lãi suất cho vay ở mức gần 0%, không thay đổi chính sách mua trái phiếu hàng tháng và cam kết giữ nguyên mức hỗ trợ này cho đến khi nền kinh tế phục hồi hoàn toàn.

Không có “món quà” bất ngờ nào cho thị trường, giới đầu tư suy đoán bức tranh kinh tế thế giới còn u ám trong thời gian dài.

Phát biểu tại cuộc họp báo cùng ngày, Chủ tịch Fed Jerome Powell cảnh báo, sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19 "đang gây ra gánh nặng đối với hoạt động kinh tế và tạo việc làm" và nhấn mạnh, triển vọng kinh tế phụ thuộc rất lớn vào tình hình dịch bệnh.

Giới quan sát cho rằng, với những lo ngại liên tục xung quanh đại dịch và việc triển khai tiêm chủng vắc-xin chậm chạp một cách đáng thất vọng, nền kinh tế Mỹ có khả năng mất đà phục hồi trong quý đầu tiên của năm nay.

Trong khi đó, Boeing báo lỗ ròng năm 2020 chạm mức kỷ lục 11,9 tỷ USD, hậu quả của cuộc khủng hoảng an toàn kéo dài hai năm đối với chiếc 737 MAX cũng như đại dịch Covid-19.

Ba chỉ số chính trên chứng kiến phiên tồi tệ nhất trong vòng 3 tháng qua. Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, tăng vượt mức 30 vào ngày thứ Tư, đóng cửa ở mức 37,21 chạm mức cao nhất kể từ 30/10/2020.

Kết thúc phiên 27/1, chỉ số Dow Jones giảm 633,87 điểm (-2,05%), xuống 30.303,17 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 98,85 điểm (-2,57%), xuống 3.750,77 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 355,47 điểm (-2,61%), xuống 13.270,60 điểm.

Chứng khoán châu Âu quay đầu lao dốc trong phiên ngày thứ Tư trong bối các phong toả kéo dài đã khiến Chính phủ Đức cắt giảm dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu trong năm 2021 từ mức 4,4% xuống còn 3%.

Cổ phiếu các ngân hàng khu vực đồng Euro cũng chịu áp lực nặng nề khi Klaas Knot, một thành viên của Hội đồng điều hành Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết, cơ quan này có thể quyết định cắt giảm lãi suất huy động xuống dưới 0 nếu điều này là cần thiết để giữ mục tiêu lạm phát trong tầm kiểm soát.

Kết thúc phiên 27/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 86,64 điểm (-1,30%), xuống 6.567,37 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 250,53 điểm (-1,81%), xuống 13.620,46 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 63,90 điểm (-1,16%), xuống 5.459,62 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản nhích nhẹ với triển vọng thu nhập các công ty sẽ tốt hơn sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nâng dự báo về tăng trưởng toàn cầu.

Chứng khoán Trung Quốc tăng nhẹ nhờ nhóm cổ phiếu ngân hàng và sản xuất khởi sắc trong phiên. Thúc đẩy thị trường là dữ liệu chính thức mới được công bố cho thấy, lợi nhuận tại các công ty công nghiệp của Trung Quốc tăng trong tháng 12/2020. Đây là tháng thứ tám liên tiếp chỉ số này ghi nhận tăng trưởng.

Chứng khoán Hồng Kông giảm khi giới đầu tư chốt lời nhóm cổ phiếu công nghệ và vật liệu sau đợt tăng mạnh gần đây.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm khi các cổ phiếu lớn đi xuống, trong khi giới đầu tư vẫn đứng ngoài chờ đợi kết quả cuộc họp của Fed.

Kết thúc phiên 27/1, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 89,03 điểm (+0,31%), lên 28.635,21 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 3,91 điểm (+0,11%), lên 3.573,34 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 93,73 điểm (-0,32%), xuống 29.297,53 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 17,75 điểm (-0,57%), xuống 3.122,56 điểm.

Giá vàng tiếp tục giảm trong phiên giao dịch đêm qua, sau cuộc họp không mang lại nhiều bất ngờ của Fed. Đồng thời, đồng USD mạnh lên cũng tạo áp lực khiến giá vàng đi xuống.

Kết thúc phiên 27/1, giá vàng giao ngay giảm, 6,00 USD (-0,32%), xuống 1.844,60 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 giảm 6,00 USD (-0,32%), xuống 1.844,90 USD/ounce.

Giá dầu ít thay đổi trong phiên giao dịch hôm thứ Tư, bất chấp tồn kho dầu thô của Mỹ giảm mạnh trong tuần qua. Các kho dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước đã giảm gần 10 triệu thùng xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020.

Kết thúc phiên 27/1, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,24 USD (-0,4%), lên 52,85 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,10 USD (-0,2%), xuống 55,81 USD/thùng.

Tin bài liên quan