Nhận tín hiệu tích cực, giới đầu tư vẫn hoang mang

Nhận tín hiệu tích cực, giới đầu tư vẫn hoang mang

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra những thông tin tích cực sau cuộc họp hôm qua (16/9), phố Wall vẫn có một phiên giao dịch đầy biến động, quay đầu giảm vào cuối phiên trước đà trượt dốc của cổ phiếu công nghệ.

Đầu ngày 16/9, sau cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đưa ra tuyên bố sẽ giữ lãi suất gần bằng 0 đến năm 2023, cho đến khi đạt mức mục tiêu lạm phát 2%, đồng thời có thể vượt ngưỡng 2% ở mức vừa phải trong một khoảng thời gian.

Tuy nhiên, những thông tin tích cực bắt đầu phai nhạt khi trong cuộc họp báo vào buổi chiều, Fed đưa ra lời cảnh báo về những rủi ro đối với nền kinh tế vẫn còn nếu không có thêm gói kích thích nào được tung ra. Fed muốn thấy Quốc hội làm nhiều hơn để giảm bớt sự tàn phá của đại dịch .

Chủ tịch Fed Jerome Powell nhắc lại, suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19 là "nghiêm trọng nhất trong cuộc đời chúng ta”. Ông Powell cho biết, cho đến khi đạt được những mục tiêu đặt ra, Fed dự kiến sẽ duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ, bao gồm sẽ giữ tốc độ mua 120 tỷ USD tài sản hàng tháng như hiện tại dưới dạng trái phiếu chính phủ và trái phiếu thế chấp.

Tại Washington, đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ vẫn chưa thể giải quyết bất đồng để đạt được thỏa thuận về gói kích thích kinh tế bổ sung.

Mặc dù Nhà Trắng hôm qua cũng bày tỏ lạc quan sẽ giải quyết được mâu thuẫn, song thị trường vẫn không mấy hy vọng về một thỏa thuận được ký kết trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11.

Theo giới quan sát, giới đầu tư đã mong đợi trong một thời gian dài hỗ trợ từ Fed, nhưng nhiều người cũng chờ đợi Quốc hội thông qua gói kích thích mới.

Các chỉ số chính của phố Wall đêm qua tăng mạnh vào đầu phiên nhờ thông tin từ Fed nhưng đã quay đầu lao dốc vào cuối phiên khi nhóm cổ phiếu công nghệ bất ngờ trở lại đà sụt giảm sau chuỗi 3 phiên liên tiếp thăng hoa. Đóng cửa, Dow Jones tăng nhẹ, trong khi S&P 500 và Nasdaq Composite mất điểm, gần như xoá sạch đà tăng hôm qua.

Kết thúc phiên 16/9, chỉ số Dow Jones tăng 36,78 điểm (+0,13%), lên 28.032,38 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 15,71 điểm (-0,46%), xuống 3.385,49 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 139,86 điểm (-1,25%), xuống 11.050,47 điểm.

Thị trường chứng khoán châu Âu cũng có phiên giao dịch biến động. Các dấu hiệu của sự thỏa hiệp xuất hiện trên mặt trận Brexit, khi truyền thông đưa tin Anh đã bắt đầu đưa ra một số nhượng bộ trong các cuộc đàm phán thương mại với Liên minh châu Âu (EU) vào tuần trước.

Tuy nhiên hôm qua, Hạ viện Anh đã tán thành một dự luật mới, vốn có thể loại bỏ một phần thỏa thuận "ly hôn", bất chấp sự bất bình của giới chức châu Âu và những cảnh báo về một dự luật như vậy sẽ vi phạm luật pháp quốc tế.

Kết thúc phiên 16/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 27,06 điểm (-0,44%), xuống 6.078,48 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 38,79 điểm (+0,29%), lên 13.255,37 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 6,49 điểm (+0,13%), lên 5.074,42 điểm.

Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch ngày thứ Tư. Chứng khoán Nhật Bản nhích nhẹ nhờ kỳ vọng về việc Fed sẽ tiếp tục củng cố cam kết giữ lãi suất thấp tại cuộc họp đang diễn ra, nhưng sự thận trọng cũng thấy rõ khi thanh khoản suy giảm.

Chứng khoán Trung Quốc giảm với nhóm cổ phiếu tiêu dùng và y tế dẫn đầu đà đi xuống do các chuyên gia lo ngại về sự an toàn của các loại thuốc được sử dụng trong vắc-xin Covid-19 thử nghiệm ở nước này.

Kết thúc phiên 16/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 20,64 điểm (+0,09%), lên 23.475,53 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 11,76 điểm (-0,36%), xuống 3.283,92 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 7,13 điểm (-0,03%), xuống 24.725,63 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 7,66 điểm (-0,31%), xuống 2.435,92 điểm.

Giá vàng tăng nhẹ trước các tuyên bố của Fed. Kim loại quý này đang được hỗ trợ một phần bởi chỉ số USD yếu hơn và giá dầu thô cao hơn. Ngoài ra, thị trường chứng khoán diễn biến trái chiều khiến dòng tiền cũng tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn hơn.

Kết thúc phiên 16/9, giá vàng giao ngay tăng 5,80 USD (+0,30%), lên 1.958,80 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10 tăng 8,7 USD (+0,31%), lên 1.966,70 USD/ounce.

Giá dầu tăng mạnh do bão Sally làm gián đoạn hoạt động sản xuất dầu khí ngoài khơi của Mỹ và tồn trữ dầu thô của Mỹ giảm mạnh. Theo ước tính, tổng sản lượng bị gián đoạn do bão là từ 3 triệu đến 6 triệu thùng dầu trong khoảng 11 ngày.

Kết thúc phiên 16/9, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,88 USD (+4,68%), lên 40,16 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,69 USD (+4,00%), lên 42,22 USD/thùng.

Tin bài liên quan