Nhận tín hiệu tích cực, giới đầu tư gom hàng trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau 3 phiên bán tháo liên tiếp, phố Wall quay lại hồi phục nhờ dữ liệu lạc quan từ thị trường lao động.
Nhận tín hiệu tích cực, giới đầu tư gom hàng trở lại

Thứ Năm, thị trường chờ đợi báo cáo thất nghiệp do Bộ Lao động Mỹ công bố. Theo đó, Số người Mỹ nộp đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm xuống mức thấp nhất trong 14 tháng vào tuần trước trong bối cảnh các công ty nỗ lực giữ chân nhân công trước tình trạng thiếu hụt lao động.

Cụ thể, số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm 34.000 người, xuống còn 473.000 người trong tuần kết thúc vào ngày 8/5. Đây là mức thấp nhất kể từ giữa tháng 3/2020, thời điểm cả nước Mỹ bắt đầu thực hiện đóng cửa kinh tế do đại dịch Covid-19 bùng phát.

Thomas Barkin, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Richmond, hôm thứ Năm cho biết, câu hỏi làm thế nào để khơi thông thị trường lao động sẽ là một vấn đề quan trọng để giữ nền kinh tế phục hồi đúng hướng.

Trong một báo cáo khác cũng được công bố hôm thứ Năm, Bộ Lao động cho biết chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng 0,6% trong tháng 4, sau khi tăng 1,0% trong tháng 3. Chi phí dịch vụ tăng 0,6%, chiếm khoảng 2/3 mức tăng của chỉ số PPI. Trong 12 tháng qua, PPI đã tăng tổng cộng 6,2%. Đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 11/2010.

Kết thúc phiên 13/5, chỉ số Dow Jones tăng 433,79 điểm (+1,29%), lên 34.021,45 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 49,46 điểm (+1,22%), lên 4.112,5 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 93,31 điểm (+0,72%), lên 13.124,99 điểm.

Chứng khoán châu Âu ảm đạm trong phiên hôm thứ Năm, chịu sức ép bởi dữ liệu lạm phát Mỹ tăng nhanh tại Mỹ.

Kết thúc phiên 13/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 41,30 điểm (-0,59%), xuống 6.943,33 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 49,46 điểm (+0,33%), lên 15.199,68 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 8,98 điểm (+0,14%), lên 6.288,33 điểm.

Chứng khoán châu Á đỏ lửa phiên hôm qua. Chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh, chịu ảnh hưởng bởi nỗi lo lạm phát của Mỹ gia tăng và thông tin nhiều thị trấn tại Nhật Bản từ bỏ kế hoạch tổ chức các buổi vận động cho thế vận hội Tokyo.

Chứng khoán Trung Quốc giảm điểm sau khi dữ liệu cho vay ngân hàng mới nhất của nước này không tăng như dự báo, bên cạnh căng thẳng với phương Tây leo thang.

Chứng khoán Hồng Kông giảm theo đợt bán tháo trên diện rộng tại các thị trường châu Á khác trước lo ngại về lạm phát của Mỹ.

Chứng khoán Hàn Quốc cũng mất điểm do chịu tác động mạnh từ dữ liệu lạm phát gây sốc từ Mỹ.

Kết thúc phiên 13/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 699,50 điểm (-2,49%), xuống 27.448,01 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 33,22 điểm (-0,96%), xuống 3.429,54 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 512,37 điểm (-1,81%), xuống 27.718,67 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 39,55 điểm (-1,25%), xuống 3.122,11 điểm.

Giá vàng phiên đêm qua tăng trở lại trước sự suy yếu của đồng USD, đồng thời lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng giảm xuống còn 1,65%/năm, sau khi chạm mốc 1,7%/năm trong phiên trước đó.

Kết thúc phiên 13/5, giá vàng giao ngày tăng 11,10 USD (+0,61%), lên 1.826,50 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 1,20 USD (+0,07%), lên 1.824,0 USD/ounce.

Giá dầu rơi mạnh vào thứ Năm khi cuộc khủng hoảng Covid-19 tại Ấn Độ ngày càng sâu sắc, đồng thời đường ống dẫn nhiên liệu quan trọng của Mỹ bị gián đoạn do tin tặc tấn công cuối tuần trước nối lại hoạt động.

Việc gián đoạn nguồn cùng kéo dài gần một tuần của Colonial Pipeline, đường ống vận chuyển 100 triệu gallon nhiên liệu mỗi ngày, gây ra tình trạng thiếu xăng khẩn cấp từ Virginia đến Florida, khiến hai nhà máy lọc dầu phải hạn chế sản xuất và thúc đẩy các hãng hàng không cải tổ hoạt động tiếp nhiên liệu.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Năm, tình trạng cạn kiệt xăng dầu tại bờ đông nước Mỹ trong vài ngày gần đây sẽ được khắc phục vào cuối tuần này khi đường ống dẫn nhiên liệu nối lại hoạt động.

Kết thúc phiên 13/5, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 2,26 USD (-3,4%), xuống 63,82 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 2,27 USD (-3,3%), xuống 67,05 USD/thùng.

Tin bài liên quan