Trong nền kinh tế ngày nay, các chỉ số tài chính chỉ cho biết một phần câu chuyện giá trị của một công ty. Những tài sản vô hình như thương hiệu, nhân tài và quy mô tiếp cận khách hàng là những yếu tố ngày càng quan trọng ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư. Các bên liên quan đang bắt đầu cân nhắc các yếu tố ESG khi đánh giá chiến lược, hồ sơ quản lý rủi ro và kế hoạch tạo ra giá trị dài hạn của một công ty.
Các yếu tố ESG cũng có thể giúp các bên liên quan đánh giá rủi ro thương hiệu, sự hấp dẫn đối với khách hàng và khả năng thu hút nhân tài. Các nhà đầu tư nhận thấy rằng, các yếu tố ESG là quan trọng, nhưng hiện có một khoảng cách giữa những gì họ muốn biết và những thông tin được công bố. Và lý do đằng sau đó tương đối phức tạp.
Khoảng cách về thông tin giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp
Kết quả nghiên cứu của PwC đã chỉ ra rằng, các nhà đầu tư đang đặc biệt quan tâm đến các yếu tố ESG và xem xét những yếu tố này khi đưa ra quyết định đầu tư.
Ông Hoàng Ðức Hùng - Phó tổng giám đốc PwC Việt Nam.
Họ muốn biết doanh nghiệp thích ứng như thế nào với rủi ro khí hậu, hiệu quả và cách thức quản lý của doanh nghiệp trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên ra sao, chất lượng và độ an toàn của sản phẩm hay các quan hệ lao động như thế nào…
Đáp lại yêu cầu đó, nhiều công ty đã bắt đầu báo cáo các yếu tố ESG để đáp ứng những kỳ vọng ngày càng cao về tính minh bạch. Tuy nhiên, chưa có sự thống nhất giữa các nhà đầu tư và các công ty về việc báo cáo vấn đề gì, ở đâu và tần suất công bố báo cáo.
Vấn đề ở đây là gì? Trước hết, các doanh nghiệp và nhà đầu tư nhìn thấy giá trị khác nhau ở việc chia sẻ dữ liệu ESG. Các doanh nghiệp tập trung vào khía cạnh tăng trưởng, trong khi các nhà đầu tư tập trung vào khía cạnh rủi ro.
Các nhà đầu tư và doanh nghiệp có những cách hiểu và tiếp cận khác nhau đối với ESG và sự khác biệt này càng lớn hơn trong việc áp dụng và tuân thủ các khuôn khổ và tiêu chuẩn báo cáo quốc tế phù hợp với các đối tượng khác nhau.
Và mặc dù cả hai phía cùng hiểu rằng việc công bố thông tin này sẽ hữu ích cho nhiều bên liên quan hơn, các doanh nghiệp thường không chắc chắn liệu nhà đầu tư có sử dụng thông tin này khi đưa ra quyết định đầu tư hay không.
Các nhà đầu tư tổ chức có đội ngũ phân tích chuyên nghiệp để tập trung vào những rủi ro của các công ty mà họ đầu tư. Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà đầu tư đều có thể phân tích mối liên hệ giữa dữ liệu ESG được cung cấp tới các nhà quản lý hoặc giám sát quản trị với thực tiễn các hoạt động đầu tư.
Kết quả là các giám đốc đầu tư (CIO) và nhà quản lý danh mục đầu tư không thể tập trung vào dữ liệu ESG. Điều này khiến nhiều công ty cho rằng thông tin ESG không phải là yếu tố quan trọng trong việc ra quyết định đầu tư.
Lý do được chỉ ra trước tiên là việc chưa xác định phạm vi ESG một cách thống nhất và vì vậy, nó có ý nghĩa khác nhau đối với những bên khác nhau. Một vấn đề nữa là việc công bố thông tin ESG chưa có tính ràng buộc cao, các công ty có thể lựa chọn theo các khuôn khổ hướng dẫn báo cáo khác nhau, dẫn đến việc thông tin giữa các công ty cũng khó được sử dụng để đánh giá so sánh.
Rút ngắn khoảng cách về thông tin
Vậy làm thế nào để giải quyết vấn đề này? Việc đưa dữ liệu ESG vào báo cáo sẽ được nhìn nhận đúng mức nếu các nhà đầu tư tổ chức chứng minh được rằng dữ liệu này thực sự đóng một vai trò quan trọng trong các quyết định đầu tư của họ. Nếu thông tin trở nên dễ dàng tiếp cận, nhất quán và đáng tin cậy hơn thì có thể sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong quản lý danh mục đầu tư.
khoảng cách về chất lượng thông tin ESG.
Thông tin ESG chắc chắn sẽ hữu ích hơn nếu các doanh nghiệp cùng hiểu và tuân thủ các tiêu chuẩn thông lệ về công bố thông tin theo các chỉ số ESG.
Theo khảo sát của PwC Hoa Kỳ năm 2016, 92% nhà đầu tư nói rằng các công ty S&P500 không công bố dữ liệu ESG theo cách dễ dàng so sánh với các công ty khác, trong khi 60% doanh nghiệp lại khẳng định rằng dữ liệu họ công bố dễ dàng so sánh. Khoảng cách trong nhận thức giữa hai nhóm đối tượng này như vậy là rất lớn.
Các doanh nghiệp khá tự tin về các thông tin mà họ đưa ra cũng như về khả năng so sánh, nhưng ngược lại, gần như đa số nhà đầu tư không cho rằng thông tin ESG công bố cho phép đánh giá so sánh một cách dễ dàng.
Sẽ thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nếu như việc công bố thông tin ESG cùng dựa trên các tiêu chuẩn chung, phù hợp với khuôn khổ báo cáo toàn cầu.
Nếu tuân thủ các tiêu chuẩn bài bản và nhất quán thì sẽ thuận lợi hơn cho nhà đầu tư khi phân tích đánh giá thông tin. Một số nhà đầu tư cho rằng, báo cáo ESG sẽ hỗ trợ hiệu quả hoạt động và hiệu quả tài chính, cũng như cách thức các công ty quản lý các khía cạnh này để đạt được tính bền vững về mặt tài chính dài hạn và bù đắp những rủi ro dài hạn.
Nâng cao chất lượng công bố thông tin ESG tại Việt Nam
Đánh giá công bố thông tin ESG các công ty niêm yết tại Việt Nam bởi cơ quan quản lý cho thấy một sự cải thiện qua các năm dựa trên nền tảng quy định công bố thông tin theo Thông tư 155/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính; trong đó, quy định rõ công bố thông tin hiệu quả hoạt động ESG của doanh nghiệp.
điểm số trung bình ESG theo từng ngành.
Mặt bằng chung công bố báo cáo được nâng lên trong khi số lượng công ty thực hiện báo cáo công bố theo các hướng dẫn tiêu chuẩn cũng được gia tăng.
Các công bố ESG bởi các công ty là các điểm sáng trong mùa báo cáo thường niên năm 2018, thể hiện sự tiệm cận thông lệ quốc tế, đáp ứng được yêu cầu chất lượng thông tin từ phía các nhà đầu tư.
Từ chương trình đánh giá công bố thông tin ESG các công ty niêm yết do Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) thực hiện với sự phối hợp của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và hỗ trợ kỹ thuật từ PwC, PwC nhấn mạnh khuyến nghị các công ty cần chú trọng và chủ động hơn trong thảo luận với nhà đầu tư về các vấn đề ESG, lắng nghe những mối quan tâm của họ và phản hồi một cách phù hợp.
Việc truyền tải thông tin ESG một cách đầy đủ, rõ ràng sẽ giúp cải thiện triển vọng tăng trưởng trong trung và dài hạn và giảm thiểu rủi ro. Từ phía các nhà đầu tư, họ cũng liên tục cải thiện và tăng cường kết nối và tích hợp thông tin thu được từ các khối quản lý vào quá trình phân tích đầu tư và đưa ra quyết định.
Kết quả công bố ESG chính là cơ sở nền tảng cho rổ chỉ số phát triển bền vững VNSI, được HOSE đưa vào vận hành chính thức từ tháng 7/2017 và tiếp tục rà soát trong năm 2018. Đây là thước đo mới trên thị trường chứng khoán, phù hợp với thông lệ quốc tế và có tác dụng thúc đẩy đầu tư có trách nhiệm.
Hy vọng trong thời gian tới, với sự tham gia của các doanh nghiệp trong rổ chỉ số này, cơ hội tiếp cận dòng vốn xanh từ các quỹ đầu tư và định chế tài chính quốc tế sẽ gia tăng, góp phần vào tăng trưởng bền vững cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.