Báo cáo việc làm tháng 7 do Bộ Lao động Mỹ công bố đầu ngày thứ Sáu cho thấy, số việc làm phi nông nghiệp tại Mỹ trong tháng trước tăng 943.000 việc, cao hơn con số 870.000 việc làm được giới chuyên gia dự báo.
Mức tăng trưởng việc làm trong tháng 5 và tháng 6 cũng được điều chỉnh cao hơn. Tỷ lệ thất nghiệp tháng 7 cũng giảm mạnh xuống còn 5,4%, giảm xuống mức thấp nhất trong 16 tháng, trong khi mức tiền lương ghi nhận tăng với tốc độ vững chắc do các nhà tuyển dụng cạnh tranh tìm kiếm trong thời buổi khan nhân công khan hiếm.
Bình quân, các công ty Mỹ đã tuyển dụng khoảng 832.000 việc làm mỗi tháng trong vòng ba tháng qua, trong khi mức trung bình ba tháng trước đó là khoảng 567.000 việc làm.
Tuy nhiên, báo cáo việc làm mạnh mã có khả năng thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tiến gần hơn đến việc cắt giảm chính sách hỗ trợ cho nền kinh tế.
Đầu tuần này, Thống đốc Fed Christopher Waller cho biết, Fed có thể bắt đầu giảm chương trình mua lại 120 tỷ USD tài sản hàng tháng vào tháng 10 nếu có 800.000 đến 1 triệu việc làm được bổ sung trong cả tháng 7 và tháng 8.
Mặt khác, tín dụng tiêu dùng của Mỹ tăng với tốc độ nhanh nhất từ trước đến nay, tăng 37,69 tỷ USD chỉ trong tháng 6/2021 trong bối cảnh chi tiêu của người dân tăng mạnh, theo dữ liệu do Fed công bố.
Trong khi đó, tăng trưởng lợi nhuận quý II đối với các công ty thuộc S&P 500 được kỳ vọng sẽ đạt mức 92,9%, theo Refinitiv. Trong số 427 công ty thuộc S&P 500 đã công bố báo cáo tài chính quý II cho đến nay, 87,6% vượt kỳ vọng của các nhà phân tích.
Phiên đêm qua ghi nhận 4/11 lĩnh vực chính của S&P 500 tăng điểm, trong đó cổ phiếu tài chính ghi nhận mức tăng lớn nhất kể từ ngày 20/7.Trong khi chỉ số Dow Jones và S&P 500 tăng thì Nasdaq Composite mất điểm do lĩnh vực công nghệ ghi nhận giảm. Trong phiên giao dịch ngoài giờ, Dow Futures, S&P Futures đều tăng còn Nasdaq Futures đi lùi 0,5%.
Kết thúc phiên 6/8, chỉ số Dow Jones tăng 144,26 điểm (+0,41%), lên 35208,51 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 7,42 điểm (+0,17%), lên 4.436,52 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 59,36 điểm (+0,4%), lên 14.835,76 điểm.
Trong tuần, S&P 500 tăng 0,94%, Dow Jones tăng 0,78% và Nasdaq Composite 1,11%.
Chứng khoán châu Âu giữ đà tăng ổn định trong phiên cuối tuần trước báo cáo việc làm quan trọng của Mỹ. Dữ liệu lạc quan khiến các nhà đầu tư ngày càng tin tưởng vào sự phục hồi kinh tế trong tương lai gần.
Kết thúc phiên 6/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 2,52 điểm (+0,04%), lên 7.122,95 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 16,78 điểm (+0,11%), lên 15.761,45 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 35,77 điểm (+0,53%), lên 6.816,96 điểm.
Kết thúc tuần, FTSE 100 tăng 1,29%, DAX tăng 1,40%, CAC 40 tăng 0,67%.
Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng nhẹ trong bối cảnh thị trường có phần ảm đạm khi nhà đầu tư tránh đặt cược trước khi dữ liệu việc làm của Mỹ được công bố.
Chứng khoán Trung Quốc giảm điểm do những lo lắng về tình hình gia tăng liên tục các ca nhiễm Covid-19 mới cũng như các quy định thắt chặt của chính phủ trên thị trường.
Chứng khoán Hồng Kông cũng giảm do lo ngại về việc thắt chặt quy định của Bắc Kinh và tình trạng dịch bệnh lây lan nhanh, tuy vậy dòng vốn ròng từ Đại lục đã giúp các chỉ số chính không giảm sâu.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm nhẹ trước áp lực gây ra bởi tình trạng lây nhiễm nhanh của biến thể delta và tình hình dịch bệnh căng thẳng trên toàn cầu.
Kết thúc phiên 6/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 91,92 điểm (+0,33%), lên 27.820,04 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 8,32 điểm (-0,24%), xuống 3.458,23 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 25,29 điểm (-0,10%), xuống 26.179,40 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 5,77 điểm (-0,18%), xuống 3.270,36 điểm.
Trong tuần, Nikkei 225 tăng 1,97%, Shanghai Composite tăng 1,79%, Hang Seng tăng 0,84%, KOSPI tăng 2,2%.
Giá vàng đêm bất ngờ lao dốc mạnh sau khi thị trường đón nhận thông tin dữ liệu việc làm của Mỹ tăng mạnh khiến USD tăng giá, đồng thời triển vọng vĩ mô tích cực khiến dòng tiền tìm đến với tài sản rủi ro.
Kết thúc phiên 6/8, giá vàng giao ngay giảm 41,00 USD (-2,27%), xuống 1.763,10 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10 giảm 45,50 USD (-2,52%), xuống 1.761,10 USD/ounce. Trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 2,8%.
Giá dầu lao dốc trong phiên ngày thứ Sáu, đánh dấu một tuần tồi tệ của dầu với mức giảm mạnh sau giai đoạn tăng giá liên tục trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh thứ tư lây lan nhanh khiến nhiều quốc gia áp dụng chặt chẽ hơn các biện pháp hạn chế đi lại.
Giá dầu đêm qua cũng phải chịu áp lực do đồng USD mạnh lên sau khi tăng trưởng việc làm hàng tháng của Mỹ cao hơn dự kiến.
Kết thúc phiên 6/8, giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 0,81 USD (-1,2%), xuống 68,28 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,59 USD (-0,8%), xuống 70,70 USD/thùng.
Trong tuần, giá dầu thô WTI giảm 7,7%, giá dầu thô Brent giảm 7,4%.