Không cắm mốc giới khi nhận thế chấp, ngân hàng chịu thiệt (Ảnh minh họa)
Theo bản án sơ thẩm, năm 2011, Ngân hàng Eximbank và Công ty TNHH Vàng bạc Thăng Long ký 2 hợp đồng tin dụng, số tiền vay là 5 tỷ đồng, để thanh toán tiền mua vàng. Lãi suất 24%/năm, thời hạn vay 5 tháng.
Tài sản đảm bảo cho khoản vay trên là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của bên thứ ba là bà Đỗ Thị Phương Lê (ở Hà Nội).
Quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty Thăng Long mới thanh toán được số tiền 168 triệu đồng tiền lãi trong hạn. Tính đến ngày 30/9/2012, công ty còn nợ 6,3 tỷ đồng, gồm nợ gốc và lãi. Ngân hàng khởi kiện ra tòa án, buộc Công ty Thăng Long phải thanh toán tổng số nợ tính đến ngày 29/10/2019 là 11,8 tỷ đồng.
Tòa sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu của ngân hàng, buộc Công ty Thăng Long phải thanh toán số tiền trên. Đồng thời, chấp nhận cho ngân hàng có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án phát mại tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất với diện tích là 479,2 m2 (đo thực tế) để thu hồi nợ (có sơ đồ kèm theo).
Ngân hàng đã kháng cáo một phần bản án về diện tích tài sản thế chấp, cụ thể là yêu cầu tòa phúc thẩm tuyên cho ngân hàng được quyền xử lý diện tích đất 560 m2 theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Về nguồn gốc mảnh đất trên, năm 2009, bà Đỗ Thị Phương Lê đã nhận thế chấp từ ông Nguyễn Văn T. với diện tích 560 m2. Thời điểm nhận chuyển nhượng, hiện trạng thửa đất trên là đất trống và ao. Trên thực tế, thửa đất trên và các thửa đất liền kề không có ranh giới phân biệt, chỉ thể hiện trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Khi nhận chuyển nhượng, bà Lê cũng không phân chia ranh giới giữa các thửa đất.
Năm 2011, bà Lê, ngân hàng và Công ty Thăng Long ký hợp đồng thế chấp. Các bên chỉ xem xét diện tích trên giấy chứng nhận, không đo đạc và cắm mốc giới cụ thể.
Đến nay, các thửa đất liền kề đã được cơ quan Thi hành án dân sự cắm mốc giới. Tòa sơ thẩm đã xem xét thẩm định và xác định mốc giới thửa đất theo bản vẽ.
Theo tòa phúc thẩm, khi thế chấp các bên không kiểm tra kích thước thực tế dẫn đến hiện trạng bị thiếu hụt diện thích so với sổ đỏ. Nhưng đây là lỗi của các bên. Do đó, tòa phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của ngân hàng.
Được biết, trên thửa đất trên hiện nay do một người khác đang quản lý, sử dụng và đã san lấp ao và trồng cây. Người này không có ý kiến gì về yêu cầu khởi kiện của ngân hàng.