Ảnh Internet

Ảnh Internet

Nhân sự ngành Dệt May: Hạn chế lớn nhất của ứng viên người Việt là ngoại ngữ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Navigos Search vừa phát hành báo cáo “Nhân sự ngành Dệt May: Cơ hội và thách thức trong việc đáp ứng các yêu cầu tăng trưởng từ thị trường” với thông tin thị trường này đang chứng kiến sự bùng nổ về tuyển dụng trong 6 tháng đầu năm 2021.

Các doanh nghiệp Dệt may tăng mạnh nhu cầu tuyển dụng trong 6 tháng đầu năm 2021

Trong 6 tháng đầu năm, do tình hình bất ổn ở một số các quốc gia láng giềng, các đơn hàng Dệt may đổ về thị trường Việt Nam nhiều hơn dẫn đến nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp Dệt may tăng mạnh.

Tháng 6 và 7 hàng năm là mùa cao điểm của việc sản xuất các đơn hàng dành cho mùa Thu - Đông. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này vẫn chưa quay trở lại mức tăng như năm 2019.

Năng lực sản xuất của các nhà máy tại Việt Nam ngày càng được cải thiện

Theo quan sát của Navigos Search, hiện nay các nhà máy sản xuất tại Việt Nam (bao gồm cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài – FDI và các doanh nghiệp Việt Nam) do có sự đầu tư lớn, đã có nhiều thay đổi và có thể đáp ứng các yêu cầu của khách hàng, từ tiêu chuẩn dây chuyền sản xuất, cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng đến các tiêu chuẩn về nhân sự như độ tuổi lao động, chế độ lao động, mức lương, thưởng…

Chính vì vậy, khối khách hàng ngành Dệt may chuyển sang làm việc trực tiếp với các nhà máy sản xuất tại Việt Nam đang có nhu cầu tuyển dụng tăng cao, đặc biệt là các vị trí: Tìm nguồn cung ứng vật tư - Tìm chuỗi cung ứng sản phẩm (bao gồm cả lập kế hoạch, chăm sóc và hỗ trợ khách hàng) - Quản lý chất lượng - Phát triển mẫu mã và kỹ thuật sản phẩm. Bên cạnh đó là các vị trí về kỹ thuật như kỹ sư, cải tiến sản xuất…

Năng lực của ứng viên ngành Dệt may dần đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng

So với 5 năm trước, các ứng viên trong ngành Dệt may đã được cải thiện, đặc biệt là các kỹ năng liên quan đến kỹ thuật, ngoại ngữ… nhờ vào sự cải thiện rõ rệt của công tác đào tạo. Trong vòng 10 năm trở lại đây, đã xuất hiện nhiều trường Đại học, Cao đẳng đã đào tạo chính quy về lĩnh vực Dệt may.

Bên cạnh đó, nhờ vào sự hợp tác giữa các doanh nghiệp Dệt may với các trường đại học trong việc thiết kế và ứng dụng các chương trình đào tạo liên quan đến kỹ thuật nên khi các ứng viên mới ra trường đã có thể áp dụng từ 50 - 60% kiến thức đã học vào các công việc thực tế. Những kỹ năng còn thiếu có thể được bồi đắp thông qua quá trình thực tập tại các doanh nghiệp.

Ưu điểm lớn nhất của ứng viên người Việt là ham học hỏi và có kỹ thuật chuyên sâu

Theo quan sát của Navigos Search, một trong những thế mạnh của các ứng viên người Việt trong mảng Dệt may là chăm chỉ, có kỹ thuật chuyên sâu.

Ngoài ra, ứng viên người Việt ham học hỏi, khéo léo do vậy họ học rất nhanh về kỹ thuật. Vì là người Việt, nên khi giao tiếp với đồng nghiệp người Việt thì họ có thể hiểu về văn hóa làm việc của người Việt cũng như luật pháp Việt Nam, giúp đảm bảo việc vận hành doanh nghiệp được thông suốt.

Hạn chế lớn nhất của ứng viên người Việt là ngoại ngữ

Mặc dù đã có những cải thiện đáng kể so với 5 năm trước, nhưng các ứng viên người Việt vẫn còn hạn chế về kỹ năng ngoại ngữ nếu so sánh với các ứng viên đến từ Ấn Độ và Philippines.

Bên cạnh đó, độ lăn xả với công việc, đam mê làm việc của ứng viên người Việt cũng được nhận xét là chưa cao. Các ứng viên người Việt vẫn còn bị các yếu tố bên ngoài chi phối như các yếu tố về văn hóa, các yếu tố gia đình…

Các vị trí khó trong lĩnh vực Dệt may vẫn phải tuyển các ứng viên người nước ngoài

Theo Navigos Search, các vị trí trưởng bộ phận về kỹ thuật, chuỗi sourcing thường vẫn phải tuyển ứng viên người nước ngoài. Đây là các vị trí yêu cầu phải giỏi các kỹ năng đàm phán và một số các kỹ năng mềm quan trọng khác như kỹ năng lãnh đạo, quản lý thời gian… là những điểm hạn chế của ứng viên người Việt.

Các ứng viên có thể đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp thường đến từ Trung Quốc, Anh, HongKong, Thái Lan và Ấn Độ.

Cơ hội chuyển đổi nghề cao đối với các ứng viên Dệt may

Các ứng viên trong ngành Dệt may có các cơ hội chuyển đổi linh hoạt sang các lĩnh vực khác cũng như các ứng viên ở ngành khác cũng có thể chuyển sang làm việc trong mảng Dệt may. Các lĩnh vực mà ứng viên ngành Dệt may có thể chuyển đổi linh hoạt như lĩnh vực Điện tử, Đóng gói, Tìm nguồn/chuỗi cung ứng…

Navigos Search đề xuất đối với nhà tuyển dụng có thể thực hiện các chương trình truyền thông về nghề nghiệp trong lĩnh vực Dệt may nhằm giúp định hướng cho sinh viên ở các trường Đại học, Cao đẳng để họ có thể nhìn rõ hướng phát triển, tiềm năng của ngành nghề này cũng như cơ hội phát triển cho người lao động. Kết hợp với trường Đại học, Cao đẳng miễn giảm học phí, hỗ trợ kinh phí đào tạo cho sinh viên khối kỹ thuật, xây dựng các quỹ học bổng… để thu hút sinh viên.

Đối với các chế độ dành cho người lao động, nhà tuyển dụng có thể điều chỉnh mức lương cao hơn so với hiện tại, qua đó doanh nghiệp có thể sẽ tuyển người dễ dàng hơn; Cải thiện môi trường làm việc, không gian làm việc, thời gian làm việc giúp nhân viên cân bằng được công việc – cuộc sống; Giảm bớt các tiêu chí về bằng cấp không cần thiết trong lĩnh vực này; Xây dựng lộ trình phát triển nghề nghiệp cho người lao động; Xây dựng các chương trình đào tạo và đào tạo lại cho người lao động.

Đối với ứng viên, Navigos cho rằng, ứng viên luôn cần phải học hỏi, cải thiện các năng lực và kỹ năng, cải thiện các kỹ năng mềm; Có tầm nhìn toàn cảnh của thị trường để có thể nhận biết và đón nhận các cơ hội để phát triển bản thân và nghề nghiệp; Chăm chỉ, đầu tư thời gian và tâm huyết cho công việc.

Navigos Group cho biết, thực hiện báo cáo này nhằm cung cấp những quan sát mang tính cập nhật về tình hình thị trường trong thời điểm hiện nay. Qua đó, Navigos hy vọng các doanh nghiệp Dệt may sẽ có được nguồn nhân sự chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của thị trường.

Đồng thời, với ứng viên, Navigos hy vọng giúp họ có được cái nhìn toàn cảnh về ngành để họ sẽ tiếp tục học hỏi và tạo được các bước tiến trong sự nghiệp của mình.

Tin bài liên quan