Nếu như trong năm ngoái, một loạt ngân hàng đưa tờ trình xin ý kiến cổ đông về chủ trương cho sáp nhập, hợp nhất (M&A) với ngân hàng khác, nhưng không đích danh, thì mùa đại hội năm nay dự báo sẽ có những cái tên cụ thể hơn.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong một động thái mới nhất cho biết, sẽ có khoảng 5 - 6 thương vụ M&A được thông qua trong 2 quý đầu năm. Chính điều này sẽ khơi mào cho làn sóng biến động nhân sự cấp cao trong ngành, đang thể hiện rõ khi một số nhà băng rục rịch thay đổi nhân sự cấp cao trước khi tiến hành ĐHCĐ thường niên.
DongA Bank là một điển hình khi đại diện vốn của Văn phòng Thành ủy TP. HCM tại nhà băng này vừa từ nhiệm. Nhà băng này cho biết, ông Nguyễn Quốc Hùng, đại diện vốn của Văn phòng Thành ủy TP. HCM thôi làm thành viên HĐQT DongABank từ ngày 25/2/2015. Ông Hùng là người đại diện vốn của Văn phòng Thành ủy tại DongABank từ tháng 4/2014 thay cho ông Phạm Văn Bự nghỉ hưu theo chế độ. Văn phòng Thành ủy là cổ đông lớn đang nắm giữ 6,87% vốn của DongABank.
Trước đó, tại ĐHCĐ thường niên 2014, DongA Bank thay đổi ghế “nóng” Chủ tịch HĐQT và người đại diện phần vốn của Thành ủy là ông Phạm Văn Bự thôi làm Chủ tịch của DongA Bank, thay vào đó là ông Cao Sỹ Kiêm, thành viên HĐQT độc lập trúng cử ghế “nóng” Chủ tịch và giữ cho đến nay.
Nhưng nếu DongA Bank sẽ về chung một nhà với nhà băng khác như thông tin lan truyền hiện nay thì khả năng nhân sự cấp cao của nhà băng này tiếp tục biến động mạnh.
Trên thực tế, làn sóng biến động nhân sự trong lĩnh vực tài chính - ngân nhàng khá sôi động trong 2 năm trở lại đi khi có nhiều nhà băng thực hiện M&A, đổi chủ và không ít lãnh đạo cấp cao của các nhà băng vướng vào vòng lao lý.
Chẳng hạn, tại OceanBank, sau khi ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT bị bắt đã được bổ nhiệm bà Nguyễn Minh Thu ngồi vào ghế “nóng” Chủ tịch HĐQT. Nhưng sau khoảng 2 tháng được bổ nhiệm, bà Thu cũng ở vào tình trạng tương tư ông Thắm. Ghế “nóng” OCeanBank được chuyển cho bà Đào Thị Thúy, thành viên HĐQT độc lập. Người phụ trách mới của nhà băng này là ông Vũ Nhật Lâm lên nắm quyền phụ trách hoạt động thay cho bà Nguyễn Thị Mai Hương, người được phân công nhiệm vụ thay cho Tổng giám đốc khi bà Nguyễn Minh Thu lên nắm quyền HĐQT OceanBank.
OceanBank chỉ là một trường hợp cá biệt, nhưng nằm trong xu hướng thay đổi nhân sự cấp cao như một “làn sóng” tại VNCB, ACB hay cả Sacombank, Eximbank… Eximbank trong 2 năm qua cũng không dưới 3 lần thay Tổng giám đốc. Cụ thể, chỉ 7 tháng cuối năm 2013 đến đầu 2014, Eximbank đã 3 lần thay Tổng giám đốc và người đương nhiệm hiện nay là ông Phạm Hữu Phú.
Eximbank dự kiến sẽ tổ chức ĐHCĐ vào cuối tháng 4/2014, theo một nguồn tin đáng tin cậy, nhiều khả năng có biến động nhân sự tại Eximbank trong kỳ ĐHCĐ năm nay, kể cả ghế “nóng”.
Chủ trương của NHNN đưa ra cho năm nay là đẩy mạnh M&A để đạt kỳ vọng mục tiêu kiểm soát nợ xấu 3% cuối năm, vì thế sẽ không chỉ có sáp nhập tự nguyện, mà có thể cả bắt buộc với những ngân hàng yếu.
Làn sóng M&A ngân hàng là một động lực quan trọng để các chức danh chủ chốt tại các ngân hàng thay đổi. Nhưng thực tế thị trường nhân sự cao cấp ngành ngân hàng cho thấy, đã làm CEO thì tiếp tục làm CEO. Do nhân sự quản lý cấp cao thiếu nên cứ CEO ngân hàng này nghỉ việc lại được ngân hàng khác mời.
Một số ngân hàng muốn thay đổi thực trạng trên bằng cách thuê người nước ngoài về làm tổng giám đốc, hay giám đốc các khối. Nhưng phải thừa nhận rằng, câu chuyện thành công là điều hiếm gặp!