Ông Đặng Anh Mai là một trong hai Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Eximbank, tham gia HĐQT Eximbank kể từ năm 2013 và được các thành viên bầu vào chức Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng này vào tháng 6/2017.
Điều đáng nói, nghị quyết miễn nhiễm ông Đặng Anh Mai của Eximbank ban hành trước kỳ đại hội đồng cổ đông năm 2020 lần 2 chưa đầy 1 tuần, dự kiến tổ chức vào ngày 29/7/2020 tới. Eximbank được xem là ngân hàng luôn thay đổi nhân sự cấp cao ngay trước thềm các cuộc đại hội cổ đông diễn ra.
Cách đây khoảng 1 tháng, trước thềm đại hội đồng cổ đông tổ chức lần 1, HĐQT Eximbank cũng đã quyết định miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Cao Xuân Ninh theo nguyện vọng cá nhân, bầu ông Yasuhiro Saitoh đảm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT.
Việc ông Yasuhiro Saitoh lên ghế Chủ tịch Eximbank khiến nhiều người liên tưởng đến ông Saitoh là người đại diện cho nhóm cổ đông Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), cổ đông chiến lược Nhật Bản nắm 15% vốn tại ngân hàng. SMBC cũng từng đề cử ông Yasuhiro Saitoh tham gia vào HĐQT Eximbank vào năm 2015.
Tuy nhiên, trong văn bản gửi Eximbank (ngày 28/4/2020) yêu cầu Ngân hàng họp cổ đông bất thường, SMBC đã đề cập tới 2 vấn đề cần thảo luận đó là yêu cầu bãi nhiệm ông Yasuhiro Saitoh và giảm số lượng thành viên, bỏ phiếu tín nhiệm đối với HĐQT.
Trước đó, tháng 5/2019, SMBC cũng đã có thông báo gửi đến Eximbank khẳng định, kể từ ngày 18/5/2019, ông Yasuhiro Saitoh không phải là một viên chức, nhân viên, người được ủy quyền hay đại diện của SMBC với tư cách là thành viên HĐQT hoặc một chức vụ nào khác tại Eximbank.
Thế nhưng, vấn đề bất đồng trong nhân sự cấp cao HĐQT diễn ra trong suốt nhiệm kỳ 5 năm qua cho đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Thành viên HĐQT Eximbank hiện nay có 9 người nhưng không tìm được tiếng nói chung trong suốt thời gian qua.
Một trong những nội dung quan trọng trong kỳ đại hội đồng tổ chức năm 2020 là bầu ra thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới năm 2020 – 2025 với đề xuất tăng thêm 2 thành viên, lên 11 thành viên, trong đó có 2 thành viên độc lập.
Tuy đã thay tân Chủ tịch HĐQT trước thềm đại hội khi ông Yasuhiro Saitoh lên ngồi ghế “nóng” Eximbank, song cả hai cuộc đại hội cổ đông (bất thường và thường niên) của nhà băng này trong ngày 30/6 đều bất thành, do không đủ tỷ lệ để tiến hành.
Cụ thể, đại hội cổ đông thường niên 2020 của Eximbank sáng ngày 30/6 tỷ lệ cổ đông tham dự chỉ có 17,54% nên không đủ tỷ lệ để tiến hành. Chiều cùng ngày ngày 30/6, Eximbank tiến hành ĐHCĐ bất thường, nhưng đến 2h30, tỷ lệ cổ đông tham dự chỉ có 51,92%, không đủ 65% như quy định nên đành phải hủy đại hội.
Điều này cho thấy, giữa các nhóm cổ đông lớn của Eximbank chưa tìm được tiếng nói chung nên không muốn đem ra tranh cải giữa đại hội như những lần trước đây. Vì vậy, đại hội chưa thể tiến hành thành công và kéo dài từ quý 2/2019 đến nay, Eximbank đã nhiều lần hoãn đại hội.
Dù luôn khẳng định việc bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo cấp cao đều đúng theo điều lệ và tuân thủ quy định của pháp luật, nhưng có thể thấy ở 3 lần công bố ghế “nóng” Chủ tịch HĐQT gần đây, Eximbank đều vướng phải những lùm xùm, tranh chấp.
Chính Ban kiểm soát Eximbank có kiến nghị rằng: “Hoạt động HĐQT ngân hàng thiếu nhịp nhàng”. Liên quan đến hoạt động của HĐQT, Ban Kiểm soát Eximbank đánh giá trong nhiệm kỳ qua đặc biệt là năm 2019, HĐQT thiếu nhịp nhàng, các thành viên còn nhiều ý kiến trái chiều, gây tranh cãi.
Các cuộc họp thường xuyên kéo dài, không đưa ra được quyết định cuối cùng, dẫn đến việc chậm ra quyết định đối với các vấn đề hệ trọng của ngân hàng, điển hình là vấn đề bổ nhiệm tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật, tổ chức đại hội cổ đông, yêu cầu của cơ quan thanh tra giám sát... đã dẫn đến Eximbank bị xử phạt hành chính về vấn đề này và gây ảnh hưởng đến hình ảnh của ngân hàng.
Ban Kiểm soát cho rằng, đây cũng là bài học sâu sắc để HĐQT phải rút kinh nghiệm tránh lặp lại trong nhiệm kỳ tới.
Về cơ cấu cổ đông, cổ đông lớn tại Eximbank hiện có: SMBC (sở hữu 15%); Vietcombank đã giảm về dưới 5%; Nam A Bank; Hyundai; nhóm bà Ngô Thu Thúy.