Tại ĐHCĐ thường niên 2017 vừa kết thúc, SCB đã xác định được 7 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017 - 2022 gồm: ông Đinh Văn Thành, Chủ tịch HĐQT; 2 Phó chủ tịch HĐQT là ông Henry Sun Ka Ziang và ông Tạ Chiêu Trung; 4 thành viên HĐQT còn lại là ông Võ Tấn Hoàng Văn ông Chiêm Minh Dũng, ông Nguyễn Tiến Thành và bà Nguyễn Thị Phương Loan.
Bên cạnh đó, SCB cũng bầu 4 thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2017-2022, gồm: bà Phạm Thu Phong, Trưởng Ban và 3 thành viên chuyên trách là bà Võ Thị Mười, ông Trần Chấn Nam, ông Vũ Mạnh Tường.
Đồng thời, cổ đông của SCB cũng đã thông qua việc tái bổ nhiệm ông Võ Tấn Hoàng Văn giữ chức vụ Tổng giám đốc Ngân hàng nhiệm kỳ mới.
Tương tự, ĐHCĐ thường niên 2017 của HDBank diễn ra trung tuần tháng 4 vừa qua cũng đã hoàn thành việc bầu HĐQT nhiệm kỳ 2017-2022.
Bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT cho biết, sau khi cân nhắc, HĐQT đã trình cổ đông số lượng thành viên HĐQT là 9 người, trong đó có 2 thành viên HĐQT độc lập và Ban Kiểm soát là 3 người. Cổ đông đã thông qua các thành viên với tỷ lệ tín nhiệm cao.
Có 9 ứng viên tham gia ứng cử vào HĐQT, trong đó 7 ứng viên là do cổ đông đề cử và 2 ứng viên là do HĐQT, Ban Kiểm soát đề cử.
Danh sách HĐQT nhiệm kỳ mới gồm bà Lê Thị Băng Tâm, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, bà Nguyễn Thị Tâm, ông Lưu Đức Khánh, ông Nguyễn Hữu Đặng, ông Chu Việt Cường và ông Lim Peng Khoon.
Riêng ông Lý Vinh Quang và ông Nguyễn Thành Đô là gương mặt mới: ông Quang từng đảm nhận vị trí lãnh đạo cấp cao tại Techcombank, BacABank, ABBank và cả HDBank, còn ông Đô từng đảm nhận chức vụ quản lý tại Bộ Tài chính.
Ngày 21/4, Eximbank đã tổ chức ĐHCĐ thường niên 2017 thành công, khi các chương trình hành động năm nay đều được thông qua, mặc dù một số nội dung được quan tâm như thoái toàn bộ vốn tại Sacombank, thu hồi thù lao chi vượt của HĐQT cũ, miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT nhiệm kỳ VI (2015-2020) đối với ông Cao Xuân Ninh không được đưa ra thảo luận như kế hoạch ban đầu.
Thực tế, ĐHCĐ 2017 của Eximbank thành công ngoài kỳ vọng, đặc biệt là vấn đề nhân sự cấp cao vốn là nguyên nhân khiến nhiều kỳ đại hội trước đây bất thành, thì nay đã dần đi vào ổn định, giúp Ngân hàng hoạt động tốt hơn.
Theo đó, Đại hội đã không bầu bổ sung 3 thành viên HĐQT như kế hoạch ban đầu, mà vẫn giữ lại danh sách cũ, trong đó có tên ông Cao Xuân Ninh.
Đồng thời, một ứng viên khác là ông Yutaka Morizaki đã trúng cử vào HĐQT, thay thế cho một thành viên HĐQT đại diện cho nhóm cổ đông Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC, hiện năm giữ 10,05% số cổ phần có quyền biểu quyết) trước đó.
Theo công bố kết quả kiểm phiếu, ông Yutaka Morizaki đã trúng cử với tỷ lệ biểu quyết đồng thuận là 55,22%.
Tài liệu Eximbank đưa ra ngày 20/4 cũng cho thấy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có công văn chấp thuận việc Eximbank bầu bổ sung ông Yutaka Moriwaki làm Thành viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VI.
Hiện tại, ông Yutaka Moriwaki giữ chức vụ Phó tổng giám đốc kiêm Trưởng Ban Quản lý dự án tái cấu trúc và chiến lược Eximbank (dự án New Eximbank).
Ngoài nhân sự cấp cao, với các vấn đề tồn đọng khác, đòi hỏi Eximbank phải tập trung đẩy mạnh xử lý trong thời gian tới, trong đó có việc thu hồi nợ từ kết luận thanh tra của NHNN.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán, tại thời điểm 31/12/2016, Eximbank ghi nhận khoản lỗ lũy kế là 461,4 tỷ đồng. Do vậy, căn cứ theo quy định của Điều lệ Eximbank, Ngân hàng không thực hiện chia cổ tức cho năm tài chính 2016.
Đồng thời, cổ đông yêu cầu Eximbank cần đòi lại khoản thù lao đã chi vượt cho các thành viên HĐQT, BKS nhiệm kỳ cũ trong 3 năm (2013-2015) là 52 tỷ đồng để phần nào bù đắp cho khoản lỗ lũy kế.
HĐQT Eximbank đã xin ý kiến dành 10 tỷ đồng để trả thù lao cho các thành viên này, nhưng đã không được cơ quan chức năng cho phép, mà yêu cầu thu hồi toàn bộ.
ĐHCĐ thường niên 2017 của BIDV ban đầu dự kiến sẽ chính thức ra mắt Chủ tịch HĐQT mới, sau khi ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu từ tháng 4/2016.
Tuy nhiên, trong 10 cái tên được đề cử vào HĐQT BIDV nhiệm kỳ 2017-2022, có đến 8 cái tên trong nhiệm kỳ cũ gồm ông Trần Anh Tuấn (tiếp tục tạm thời điều hành HĐQT nhiệm kỳ mới), ông Phan Đức Tú, ông Trần Thanh Vân, ông Nguyễn Huy Tựa, ông Ngô Văn Dũng, ông Nguyễn Văn Lộc, bà Lê Thị Kim Khuyên và bà Phan Thị Chinh, hai cái tên mới là ông Bùi Quang Tiên và ông Lê Việt Cường. Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2017-2022 vẫn là các gương mặt là bà Võ Bích Hà, bà Nguyễn Thị Tâm và ông Cao Cự Trí.
Hiện tại, thị trường đang chờ đợi diễn biến về nhân sự cấp cao của Sacombank. Theo nghị quyết HĐQT Sacombank vừa công bố về các ứng cử viên HĐQT, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2017-2021, các ứng viên cho “ghế nóng” đã dần xuất hiện.
Câu chuyện tưởng chừng sẽ dễ dàng ngã ngũ, nhưng bỗng chốc trở nên “ly kỳ”, khi mỗi ứng viên đều thuộc diện “kẻ tám lạng, người nửa cân”.
Bên cạnh những cái tên quen thuộc đang là lãnh đạo tại Sacombank như Chủ tịch HĐQT đương nhiệm Kiều Hữu Dũng, Phó chủ tịch HĐQT Nguyễn Miên Tuấn, ông Nguyễn Văn Cựu hay ông Nguyễn Xuân Vũ, thì danh sách ứng viên còn xuất hiện 2 nhân vật gắn liền với thương hiệu LienVietPostBank là ông Nguyễn Đức Hưởng và bà Nguyễn Thị Bích Hồng (vị trí Thành viên HĐQT độc lập), trong đó cái tên được đánh giá rất cao là ông Nguyễn Đức Hưởng.
Ngoài các ứng viên tham gia HĐQT, các ứng viên tham gia Ban Kiểm soát Sacombank nhiệm kỳ mới có bà Nguyễn Thị Thanh Mai, ông Lê Văn Tòng, ông Hà Tôn Minh Hạnh và ông Trần Văn Triết.
Được biết, Sacombank sẽ tiến hành ĐHCĐ thường niên 2-17 vào ngày 26/5 tới, sau khi thông báo tạm hoãn tổ chức vào ngày 28/4 do chưa chuẩn bị xong nhân sự HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới.